08:21 30/08/2015

Vùng lõm chính trị Bàn Cờ - Căn cứ lòng dân

Trong suốt những năm tháng chiến tranh, Vùng lõm chính trị Bàn Cờ (thuộc quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) đã gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh, Vùng lõm chính trị Bàn Cờ (thuộc quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) đã gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi đây đang từng bước phát triển, hòa trong quá trình phát triển đi lên của thành phố và đất nước nói chung.

Quê hương cách mạng

Với đặc thù của mình, khu vực Bàn Cờ là nơi cư trú của nhiều tầng lớp nhân dân, lao động nghèo từ nhiều nơi về đây sinh sống, xunh quanh là các cơ quan đầu não, đồn bốt của chính quyền Mỹ ngụy. Bên cạnh cuộc sống mưu sinh hàng ngày, người dân nơi đây còn có tấm lòng trung kiên, gan dạ, có miền tin vào cách mạng, giải phóng dân tộc, dựng nên "vùng lõm chính trị" quan trọng của phong trào đấu tranh tại đô thị Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hình ảnh, tư liệu về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng “Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bàn Cờ” thời kỳ chống Mỹ tại quận 3.


Từ những năm 1930, vùng Bàn Cờ đã là địa bàn hoạt động và trú đóng của các đồng chí cán bộ lãnh đạo Đảng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Bàn Cờ trở thành căn cứ cách mạng giữa lòng Sài Gòn với một thế trận lòng dân vững chắc, tạo nên những chiến công vang dội, đặc biệt nơi đây có những tấm lòng sắt son, kiên trung theo Đảng.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược, các phong trào đấu tranh nổ ra liên tiếp ở khu vực Bàn Cờ để đòi thực hiện Hiệp định Genener, đòi dân sinh, dân chủ, chống địch đốt nhà chiếm đất, đòi được thành lập nghiệp đoàn; chống đàn áp Phật giáo dưới thời Ngô Đình Diệm; chống đàn áp học sinh, sinh viên...diễn ra ở nhiều khu vực như Ngã Bảy, đường Lý Thái Tổ, Hồng Thập Tự ( nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), Trần Quý Cáp ( nay là đường Võ Văn Tần), Phan Đình Phùng ( nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), Phan Thanh Giản ( nay là đường Điện Biên Phủ), Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám)...

Trong đấu tranh chống Mỹ, Vùng Bàn Cờ còn được chọn là nơi xây dựng nhiều cơ sở của Biệt động Sài Gòn. Một trong những cơ sở Biệt động nổi tiếng là nhà đồng chí Trần Văn Lai (Năm Lai, còn được biết đến với tên Mai Hồng Quế) tại số 287/70 đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) là hầm cất giấu vũ khí phục vụ cách mạng. Nơi đây hiện nay được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với cô Đặng Thị Thiệp (vợ của ông Trần Văn Lai) ký ức của bao năm tháng sôi sục, hừng hực lửa đấu tranh vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi câu chuyện kể của cô.

Với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, căn cứ cách mạng Bàn Cờ đã tồn tại ngay trong lòng địch và ngày càng phát triển hoàn chỉnh từ chi bộ Đảng, chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang, đội quân chính trị hùng mạnh để bảo vệ căn cứ thép "Vùng lõm chính trị - Căn cứ cách mạng Bàn Cờ".

Với những thành tích đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ ngụy quyền Sài Gòn giữa lòng địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân khu Bàn Cờ, nay là Phường 3, Quận 3 vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào đầu năm 2015 vừa qua.

Bàn Cờ hôm nay

Ngày nay, khu Bàn Cờ, quận 3 đã phát triển sầm uất với những tuyến phố tấp nập buôn bán, nhộn nhịp, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những quận trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Những người dân nơi đây cũng đang nỗ lực tiếp bước thế hệ cha anh.

Anh Trần Vũ Long (con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai và cô Đặng Thị Thiệp) hiện công tác tại Công an phường 3 (quận 3) chia sẻ: Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng bản thân mình cảm thấy rất tự hào. Để xứng đáng với những hy sinh của ba anh và những thế hệ đi trước anh tự nhủ bản thân cần phải cố gắng đem hết sức mình để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. "Khâm phục, tự hào và hãnh diện về sự cống hiến của ba cho cách mạng, cho nhân dân nên bản thân rất mong muốn đóng góp nhiều hơn cho Tổ quốc. Suy nghĩ làm việc bằng cái tâm, hết sức phục vụ Tổ quốc, Đảng, nhân dân, đi theo chí hướng của cha ông đã lựa chọn và cống hiến", anh Trần Vũ Long bộc bạch.

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của lớp cha anh trong các cuộc kháng chiến, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân quận 3 đã phát huy đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, vượt qua khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua, kinh tế quận 3 đã phát triển đúng hướng, doanh thu thương mại và dịch vụ tăng bình quân hơn 17%/năm; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao, đến nay trên địa bàn quận không còn hộ nghèo với thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm.

Xác định nhiệm vụ trong thời gian tới, lãnh đạo Quận 3 tiếp tục xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đồng thời nâng cao sức mạng khối đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa đảng bộ và nhân dân trong quận.

Thời gian qua đi, những dấu tích một thời vẻ vang của Vùng Lõm chính trị - căn cứ Cách mạng Bàn Cờ có thể phai mờ theo năm tháng, nhưng vị trí, vai trò của căn cứ địa và hậu phương cách mạng trong những năm tháng kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cần tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông đi trước, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo quận 3 luôn luôn trân trọng, giữ gìn và lan tỏa ngọn lửa truyền thống cách mạnh hào hùng của cha ông ta đến thế hệ mai sau.

Anh Tuấn - Thu Hoài