05:10 17/05/2011

Vùng đất "một con gà gáy, 3 nước cùng nghe" trước ngày hội lớn

Đến huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, nơi tận cùng phía Tây Bắc Tổ quốc trong những ngày này, đâu đâu cũng rộn rã không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Đến huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, nơi tận cùng phía Tây Bắc Tổ quốc trong những ngày này, đâu đâu cũng rộn rã không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Theo suốt dọc tuyến đường từ ngã ba Mường Chà đi A Pa Chải, con đường nằm như sống lưng của Mường Nhé qua các địa danh Chà Cang, Pa Tần, Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải, Lenh Su Sìn... cho đến Sín Thầu, đâu đâu cũng phấp phới băng rôn, biểu ngữ. Những cử tri tập trung tại trung tâm xã, nhà văn hóa thôn bản để nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, hay cán bộ xã tuyên truyền ý nghĩa, nội dung của cuộc bầu cử.

Đồng bào dân tộc Hà Nhì (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên tại địa điểm bỏ phiếu của xã. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Mường Nhé là địa bàn có đường biên giới chung với 2 nước Trung Quốc và Lào. Với diện tích gần 250.000 ha, nơi đây có gần 10.000 hộ dân thuộc 11 dân tộc anh em là Mông, Thái, Hà Nhì, Kinh, Dao... sinh sống. Mường Nhé nổi tiếng bởi A Pa Chải, địa danh có cột mốc 3 mặt hướng về 3 nước, nơi “một con gà gáy, 3 nước cùng nghe”.

Nói về công tác chuẩn bị bầu cử, Thiếu tá Hà Văn Long, Đồn phó Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết: Hai xã Sín Thầu và Sen Thượng do đồn phụ trách có 1.200 cử tri, chủ yếu là đồng bào dân tộc Hà Nhì. Được giao công tác tham gia chỉ đạo bầu cử, đồn đã cử 12 cán bộ phụ trách 12 tổ bầu cử của các bản trên địa bàn để giúp địa phương làm tốt công tác chuẩn bị bầu cử. Cho đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị cho ngày hội của dân tộc đã hoàn thành. Tất cả các cử tri là đồng bào sinh sống tại địa bàn, công nhân thi công các công trình tại địa phương và cán bộ chiến sĩ của đồn đã được học tập về Luật bầu cử, ý nghĩa nội dung cũng như tiểu sử của các ứng cử viên.

Chúng tôi tới trung tâm xã Sín Thầu, khi nơi này đang tấp nập các cử tri là đồng bào dân tộc địa phương tới trụ sở UBND xã nghe tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của cuộc bầu cử, hướng dẫn về cách thức bỏ phiếu. Ông Pờ Dẩn Sình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: Kỳ bầu cử này, xã Chung Chải đặt mục tiêu phấn đấu 100% cử tri đi bỏ phiếu. Để đạt kết quả đó, từ nhiều ngày qua, nhiều cán bộ xã đã tỏa đi khắp các bản của địa phương như Tủ Kho Khử, Pờ Nhù Xó, Lý Mà Tá... để tuyên truyền vận động. Tài liệu thì được dịch ra tiếng dân tộc địa phương để đồng bào hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia bỏ phiếu nên đa số đều phấn khởi lắm. Dù là địa phương xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh, nhưng Sín Thầu quyết tâm sẽ hoàn thành công tác bỏ phiếu trước 17 giờ ngày 22/5.

Đến với xã Nậm Kè, dường như nơi đây đã không còn vết tích, dư âm gì của vụ lộn xộn vừa qua xảy ra tại bản Huổi Khon. Trên sân UBND xã, những người thợ mộc - cử tri của xã đang hối hả đóng những hòm phiếu mới để chuyển tới các điểm tổ chức bầu cử. Tiếng cưa máy, tiếng búa rộn rã bên những hòm phiếu bằng gỗ mới tinh khôi, xếp cao giữa sân trụ sở xã. Ông Sùng A Kỷ là người dân tộc Mông, sinh năm 1964, trưởng bản Huổi Khon cho biết: Trong những ngày vừa qua, những người di cư ở nơi khác kéo tới đây gây lộn xộn, ảnh hưởng đến cuộc sống của đồng bào địa phương, nay họ đã đi về nhà hết rồi. Giờ đây sinh hoạt của 97 hộ đồng bào trong bản đã trở lại bình thường. Bà con đang tranh thủ ngày thì đi gieo cấy cho kịp vụ mùa, tối về sinh hoạt bản, nghe cán bộ xã và bộ đội biên phòng xuống tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào chuẩn bị tinh thần cho ngày bầu cử sắp tới. Bà con trong bản phấn khởi lắm, mong muốn sớm đến ngày bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Mường Nhé là nơi cực Tây của Tổ quốc, cũng là huyện thành lập sau và khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, nhưng nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước nên đã được tập trung ưu tiên cho nhiều chương trình dự án lớn để xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định dân cư nơi phên dậu của Tổ quốc. Năm 2011, địa phương đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế 11%, 16/16 xã có đường ô tô tới trung tâm, đạt mức bình quân lương thực 367 kg/người/năm và giảm tỷ lệ đói nghèo hơn 6% trong năm nay.

Chu Quốc Hùng