01:20 07/01/2015

Vùng đất lịch sử Phước Long

Cách đây tròn 40 năm, ngày 6/1/1975, tỉnh Phước Long nay là thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) được giải phóng. Chiến thắng Phước Long ngày ấy như một “đòn trinh sát chiến lược” quan trọng, làm cơ sở cho quân dân ta mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy trong mùa Xuân 1975...

Cách đây tròn 40 năm, ngày 6/1/1975, tỉnh Phước Long nay là thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) được giải phóng. Chiến thắng Phước Long ngày ấy như một “đòn trinh sát chiến lược” quan trọng, làm cơ sở cho quân dân ta mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy trong mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

“Đòn trinh sát chiến lược” 

Tỉnh Phước Long được chế độ cũ thành lập ngày 22/10/1956, bao gồm 3 quận Phước Bình, Bù Đốp và Phước Hòa, 17 tổng và 21 xã. Năm 1959 thêm một quận nữa là Đức Phong. Phước Long là địa bàn hết sức quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là địa bàn đặc biệt nhạy cảm trong hệ thống phòng thủ phía Bắc Sài Gòn.

Đêm 12 rạng sáng 13/12/1974, quân giải phóng mở màn trận đánh chiếm các chi khu Đức Phong, Bù Đăng, Bù Đốp. Tiếp đó, yếu khu Bù Na được giải phóng, mở hành lang thông thoáng cho vùng giải phóng Đông Nam Phước Long và Nam Bà Rá. Ngày 26/12/1974, cứ điểm Đồng Xoài của địch bị ta quét sạch, tỉnh lỵ Phước Long được địch coi là cánh cửa ở miền Đông Nam Bộ bị cô lập hoàn toàn. Ngày 31/12/1974, quân ta tiến công tiêu diệt chi khu Phước Bình, mở chiến dịch giải phóng Phước Long. Ngày 1/1/1975, cao điểm Bà Rá, nơi được mệnh danh là “mắt thần” của địch bị bộ đội đặc công diệt gọn...

Một góc thị xã Phước Long ngày nay. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Sau 25 ngày đêm tiến công đều khắp, ngày 6/1/1975, thị xã cùng toàn tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng, mở toang cánh cửa miền Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên, xuống Sài Gòn và Tây Nam Bộ... 

Chiến công oanh liệt này làm nức lòng đồng bào cả nước và là thắng lợi có ý nghĩa chính trị “đòn trinh sát chiến lược” đối với thái độ người Mỹ. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nhận xét: “Chiến thắng này đã mở ra tiền đề cho cách mạng miền Nam, thần tốc tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam”.

Cùng với thắng lợi này, căn cứ Chiến khu Đ đã được mở rộng về phía Bắc và Tây Bắc giáp với Bình Long và biên giới Campuchia. Chiến khu Đ thực sự trở thành một hậu phương lớn và trực tiếp của miền Đông Nam Bộ, nơi tiếp nhận, triển khai binh khí, kỹ thuật và cơ sở vật chất từ Trung ương xuống các chiến trường; đồng thời là địa bàn tập kết các cánh quân lớn tiến công vào hang ổ đầu não địch ở Sài Gòn.

Phước Long hôm nay

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, 3 tỉnh Phước Long, Bình Long và Bình Dương sáp nhập thành tỉnh Sông Bé.

Ngày 1/1/1997, tỉnh Sông Bé được chia tách thành 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Phước Long là một huyện của tỉnh Bình Phước và đến ngày 11/8/2009 trở thành một trong 3 thị xã của tỉnh. 

Là địa phương đầu tiên của miền Nam được giải phóng, từ vùng đất bị tàn phá nặng nề, hoang tàn sau chiến tranh, Phước Long vươn mình thành vùng kinh tế trọng điểm có công nông nghiệp phát triển, là trung tâm trao đổi hàng hóa chế biến nông sản của khu vực lân cận và thị xã Phước Long, với mức tăng trưởng kinh tế luôn giữ mức trên 12%/năm. 

Trong sản xuất nông nghiệp, Phước Long đã xây dựng định hướng đẩy mạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các loại cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao kết hợp với cây trồng xen canh ngắn ngày nhằm nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Duy trì và phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn trồng trọt với chăn nuôi. 

Phát triển tiềm năng về du lịch cũng được Phước Long quan tâm. Trên địa bàn thị xã có núi Bà Rá không chỉ mang ý nghĩa giá trị lịch sử, đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia mà còn có thắng cảnh đẹp nổi tiếng với rừng có hệ thực vật đa dạng, phong phú được xếp vào hệ thống rừng đặc chủng của cả nước. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ, gồm các hạng mục: Đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông vòng quanh chân núi, hoàn thành tuyến cáp treo đưa đón khách tham quan, tu bổ tôn tạo các công trình có liên quan đến di tích lịch sử...

Cùng với lĩnh vực kinh tế phát triển, lĩnh vực văn hóa -xã hội có nhiều tiến bộ. Toàn thị xã có 4 trường Trung học cơ sở, 10 trường tiểu học, 9 trường mầm non với tổng số học sinh là 12.402 học sinh.

Lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. 

Để tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa kết quả đạt được, thời gian tới chính quyền và nhân dân thị xã Phước Long không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, xác định rõ định hướng phát triển theo lợi thế, tiềm năng sẵn có, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; chú trọng công tác bảo vệ môi trường; khai thác tốt nhất tiềm năng và lợi thế, phát huy nội lực, tạo môi trường thật sự hấp dẫn nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Sớm tạo nên đột phá về kinh tế, mở rộng dịch vụ - thương mại, công nghiệp chế biến, đưa thị xã Phước Long trở thành đơn vị vững mạnh của tỉnh và cả nước

Kim Chung (tổng hợp)