06:22 20/06/2016

Vui buồn đời cộng tác viên

Để có được những tin tức nóng hổi, nội dung hấp dẫn, bên cạnh các phóng viên nhanh nhạy săn tin thì tòa soạn nào cũng cần có mạng lưới cộng tác viên rộng. Họ là những người đến từ nhiều nghề nghiệp khác nhau, với niềm đam mê nghề báo mong góp chút ít công sức trong việc cung cấp thông tin chuẩn xác đến cho công chúng.

Tuy nhiên, do không “danh chính ngôn thuận”, nên cộng tác viên (CTV) cho các tờ báo gặp nhiều trở ngại trong việc thông tin cho tòa soạn. Vui, buồn, thậm chí chùn lòng là những trải nghiệm đa sắc đối với những ai từng là CTV cho tòa soạn báo.

Tham gia nhóm và “đánh lẻ”

CTV cho những tờ báo tại Việt Nam có mặt khắp nơi trong cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài. Nhưng có lẽ, địa phương có đội ngũ CTV đông đảo nhất là ở TP.HCM. Mọi người từ khắp mọi miền đất nước kéo về đây sinh sống và làm việc, cũng đồng nghĩa với một bộ phận có “máu” nhà báo tham gia làm CTV cho các cơ quan báo chí. Mặt khác, TP.HCM là địa phương có nhiều trụ sở tòa soạn và ban đại diện nhất ở Việt Nam. Tại đây các CTV gửi bài theo hình thức “đánh lẻ” và nhóm. Nhiều CTV thích làm việc riêng tư, chăm chỉ đi, viết và gửi bài cho báo. 

CTV Trà Kim Long - Kim Hoa thuộc nhóm Tiểu ban văn nghệ sĩ.

Nhưng cũng có nhiều người thích làm việc cùng nhau nên lập thành một nhóm (chính thức hoặc không chính thức) để tập trung đầu mối, liên kết nhau gửi bài. Giả dụ, nếu một thành viên trong nhóm phát hiện tờ báo mới có nhiều chuyên mục phù hợp với CTV kia thì họ gọi điện chia sẻ địa chỉ hoặc email báo đó. Hoặc đến lúc gặp nhau thì trao đổi trực tiếp, nhận bài và góp ý về phong cách viết của nhau nhằm chắc tay bút hơn. Hiện tại ở TP.HCM có nhiều nhóm CTV cho báo. Đơn cử là nhóm Tiểu ban văn nghệ sĩ - Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam (họp tại tổ đình Phổ Quang, Phú Nhuận, TP.HCM); nhóm nhánh báo chí thuộc Hội liên hiệp UNESCO Việt Nam… Cũng có nhiều nhóm không chính thức như “nhóm 55”. Gọi là nhóm 55 vì các anh chị em yêu nghề báo thường họp định kỳ tại Quán 55 Trần Quốc Thảo, quận 3. Có thể nói đây là nhóm CTV hoạt động bền, lâu và đoàn kết nhất, dù không chính thức. Họ là những người từng xây dựng tờ báo Bình Phước, Bình Dương và hiện nay thì là CTV tự do. Trong đó cũng có vài thành viên là các phóng viên của các tờ báo, nhà thơ, nhiếp ảnh, họa sĩ biếm…

Niềm vui

Nói về niềm vui nghề CTV thì có lẽ chắc nhiều. Mỗi khi có một “đứa con tinh thần” được tòa soạn ưng ý, cho đăng lên báo in, báo mạng thì CTV nào cũng thấy vô cùng hãnh diện. Đó là niềm vui chung. Thế còn niềm vui riêng? Theo như CTV Đàm Vũ Tri (huyện Bình Chánh, TP.HCM), thành viên “nhóm 55” chia sẻ: “Chú xuất thân từ dân báo chí, luật khoa nên yêu nghề báo là lẽ tất nhiên. Hiện nay chú cộng tác cho rất nhiều báo, chủ yếu ở tin phản ánh, thơ châm biếm. Niềm vui lớn nhất đối với chú là bài viết được đăng nhiều trên báo xuân”. Thường thì báo xuân khá khắt khe trong việc chọn bài, nên khi được đăng là điều đáng để vui, mà vui thiệt lớn. Đó là chưa nói nhuận bút của báo xuân thường cao hơn gấp mấy lần báo thường. Còn chú Dũng Cận (bút danh của họa sĩ Nguyễn Dũng, quận Bình Thạnh, TP.HCM) thì nói nhờ cái nghề CTV mà chú mua được căn nhà nhỏ, nuôi 5 đứa con ăn học thành tài, người nào cũng có bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ. Cũng theo CTV Dũng Cận, ông cho biết nghề này vui nhất là đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6: “Nhiều báo mời về tòa soạn họp mặt, liên hoan, gặp mặt hoặc tổ chức đi tham quan, chẳng có niềm vui nào bằng”.

Trong khi đó, nhà thơ Kim Hoa (quận 12, TP.HCM), nhóm “Tiểu ban văn nghệ sĩ”, người chuyên cộng tác cho các tờ bản tin, tạp chí về đạo Phật hân hoan nói: “Cô là người theo đạo Phật nên việc viết bài cho các báo về Phật giáo là niềm phúc lớn, còn gì vui hơn chứ. Được trải lòng mình trên những trang báo về đạo như là cách để cô tịnh tâm lòng mình. Lấy việc xã hội mà ứng vào Phật học để nhân rộng những yêu thương, đẩy lùi cái ác”. Nhà thơ Trà Kim Long, người bạn đời của nhà thơ Kim Hoa cũng đồng tình với tâm tư này. Ông còn cho biết thêm, bên cạnh việc cộng tác với các báo về đạo Phật thì ông và vợ còn cộng tác cho các bản tin của quận trong TP.HCM, bản tin Mặt Trận TP.HCM, báo Cựu Chiến Binh TP.HCM và nhiều báo tỉnh. Dù tuổi đã ngoài 60 nhưng đôi vợ chồng thi sĩ này vẫn chắc tay bút ở mảng văn hóa như tạp văn, thơ, truyện ngắn và các bài bình luận xã hội.

Và nỗi buồn

Sống trong đời sống ai chẳng vui, buồn. Vì vậy, cái nghề viết lách cũng không ngoại lệ. Bài được đăng nhiều thì mừng nhưng tháng nào có ít bài thì CTV lại buồn. Bởi nỗi khổ của CTV là không được ăn lương chính thức của tòa soạn, có bài thì có nhuận bút, bài bị “gác” thì coi như không một xu dính túi. Chỉ thế thôi. Đó là chưa nói một số báo chi trả nhuận bút chậm khiến CTV, nhất là người có kinh tế khó khăn lại càng lo âu. Như CTV Nguyễn Thanh Vũ (quận Tân Phú, TP.HCM), kinh tế gia đình khó khăn, nhà có tới 4 người già, cuộc sống của cả gia đình anh chỉ trông chờ vào lương giáo viên eo hẹp và tiền nhuận bút báo. Bên cạnh việc giảng dạy môn tin học ở trường, anh là một CTV siêng viết và được đăng bài ở nhiều báo. Nhưng theo anh nhận định, tiền nhuận bút như chơi chứng khoán, bất thường lắm. Có tháng anh thu nhập riêng tiền CTV chừng 10 triệu đồng, nhưng có khi chỉ được 1 triệu đồng. Anh nói: “Lúc có cảm hứng, sung sức thì mình viết nhiều. Nhưng khi mất hứng thì ngay cả một bài mà vài ngày viết cũng chưa xong. Ấy thế mà tờ báo L., có lần nợ mình một năm rưỡi tiền nhuận bút. Oải lắm!”.

Trong khi đó bạn Nguyễn Hoàng Duy, một tay bút được đăng đều đặn trên các báo từ Trung ương đến địa phương than thở rằng: “Do không “danh chính ngôn thuận” nên vất vả trong việc lấy tin. Mình không có thẻ nhà báo, rất khó tiếp cận nguồn tin. Có nhiều tin nóng hổi, nhưng bị rào cản này nên đành gọi điện đường dây nóng cho báo xuống làm việc”. Nhiều CTV khác do không có thẻ nhà báo nên hạn chế nội dung, vì muốn lấy tin thì người ta đều yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo hoặc ít ra là giấy giới thiệu từ cơ quan báo chí. Cũng có người, đã tốt nghiệp cử nhân báo chí, nhưng không xin vào được tòa soạn nào làm, nên thành ra bằng báo chí không có tác dụng trong trường hợp đi lấy tin. Hoạt “nhà báo tự do” ở nước ta không phổ biến như ở nước ngoài.


Trung Thành