10:06 17/10/2016

Vua Thái Lan - Vị vua được thần dân yêu mến

Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, người trị vì đất nước hơn 70 năm qua kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và là người được thần dân hết sức kính trọng, đã qua đời ngày 13/10 tại thủ đô Bangkok. Ông thọ 88 tuổi và là một trong những nhân vật hoàng gia trị vì lâu nhất lịch sử thế giới.

Nhà Vua Bhumibol là một biểu tượng đoàn kết tại đất nước Thái Lan vốn bị phân cực sâu sắc. Cái chết của ông có thể khiến Thái Lan rơi vào tình trạng bất ổn, khiến người ta lo ngại về tương lai của hoàng gia Thái Lan khi Thái tử nối ngôi Vajiralongkorn lại không được thần dân yêu mến như vua cha.

Cái chết của Nhà Vua đã chấm dứt 70 năm, 126 ngày trị vì. Ông lên ngôi từ khi 18 tuổi. Ông đảm nhiệm hoàn toàn vai trò tối thượng ở Thái Lan và được thần dân kính trọng. Trong cuốn sách bán chạy “Câu chuyện của Tongdaeng” (năm 2002) kể về một con chó hoang được ông nhận nuôi, Nhà Vua đã gửi đi một thông điệp khuyên người Thái giàu có cần ngừng mua các giống chó nước ngoài đắt tiền khi còn có quá nhiều chó hoang ở Thái Lan cần cứu giúp.

Nhà Vua Bhumibol năm 83 tuổi.

Dù là một vị vua trầm tính, ít xuất hiện nhưng ông Bhumibol là người từng đặt chân tới nhiều nơi ở phương Tây. Sinh ra ở Cambridge, bang Massachusetts, nước Mỹ, nơi cha ông là một sinh viên trường Harvard, ông học hành ở Thụy Sĩ, nói thành thạo tiếng Anh và Pháp. Ông biết sáng tác nhạc, chơi nhạc jazz bằng kèn clarinet và saxophone. Ông cũng viết sách, vẽ, chụp ảnh.

Khi trở về Thái Lan từ châu Âu, Nhà Vua Bhumibol đã thay đổi. Không bao giờ tỏ ra quan tâm tới cuộc sống thích ngao du, ông đã không ra nước ngoài nữa vì cho rằng ở nhà còn có quá nhiều việc để làm. Ông hài lòng với cuộc sống đi thăm các cánh đồng ở các tỉnh xa xôi, quan tâm tới các dự án phát triển mà ông thúc đẩy và giám sát: các nhà máy tiệt trùng sữa, các đập thủy lợi, các nhà máy tái chế…

Trong bài phát biểu hàng năm nhân sinh nhật mình tháng 12/2001, Nhà Vua Bhumibol nói: “Có một câu ngạn ngữ tiếng Anh nói rằng vua lúc nào cũng sướng hay sướng như vua. Điều này không đúng chút nào”. Năm 2005, Nhà Vua nhấn mạnh rằng quan niệm cho rằng Nhà Vua không bao giờ làm điều gì sai là một lời xúc phạm với ông. Ông hỏi: “Tại sao vua lại có thể không bao giờ làm điều sai? Điều này cho thấy họ không coi vua là một con người. Vua có thể có lúc sai trái”.

Trong mỗi cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra ở Thái Lan, người dân đều ngưỡng mộ Nhà Vua Bhumibol vì ông có cảm nhận sắc bén, biết khi nào cần can thiệp, và đôi khi chỉ can thiệp bằng một cử chỉ để tháo ngòi căng thẳng, cho dù vai trò của ông bị hiến pháp hạn chế và không có quyền lực chính trị trực tiếp.

Nhà Vua Bhumibol răn dạy hai thủ lĩnh đối lập.

Một trong những lần can thiệp diễn ra năm 1992. Khi đó, cung điện hoàng gia ngày 20/5 cho phát một đoạn video ghi lại hình ảnh hai người đàn ông quỳ phục dưới chân Nhà Vua Bhumibol. Hình ảnh này dường như bình thường với người ngoài, nhưng với người Thái, đó là giây phút quan trọng trong lịch sử.

Một người là tướng Suchinda Kraprayoon, thủ lĩnh đảo chính và được chỉ định làm thủ tướng Thái Lan. Người kia là ông Chamong Srimuang, lãnh đạo phong trào nổi dậy ủng hộ dân chủ chống lại chế độ quân sự của tướng Kraprayoon. Bên ngoài đường phố, người dân biểu tình suốt mấy ngày qua, quân đội thì mạnh tay trấn áp khiến một số dân thường thiệt mạng. Thời điểm đó bị coi là tháng 5 đen tối ở Thái Lan và dường như không có ai có thể hàn gắn sự chia rẽ khi không bên nào chịu nhượng bộ.

Cuối cùng, Nhà Vua Bhumibol đã triệu tướng Suchinda Kraprayoon và ông Chamong Srimuang tới cung điện và nói với họ: “Đất nước này thuộc về tất cả mọi người, không chỉ của riêng ai hay riêng hai người nào đó. Những người đấu đá với nhau đều sẽ là người thua cuộc. Và người thua cuộc trong những người thua cuộc sẽ là đất nước… Vì mục đích gì mà hai người các anh có thể nói rằng các anh là người chiến thắng khi mà các anh đang đứng trên đống đổ nát và gạch vụn?”.

Lời của Nhà Vua đơn giản nhưng đã có tác động mạnh mẽ, phản ánh được tâm trạng của cả quốc gia. Hình ảnh hai người đàn ông kính cẩn và quỳ phục lắng nghe Nhà Vua chính là thời khắc ông củng cố vị trí là vị quan tòa cuối cùng ở Thái Lan. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại học Chulalongkorn nhận định: “Không ai có thể đóng vai trò này vào thời điểm đó, trong hoàn cảnh đó ngoài Nhà Vua Thái Lan”.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhà Vua can dự. Năm 1973, khi người biểu tình ủng hộ dân chủ bị binh lính bắn, ông đã cho phép họ vào cung điệp để trú ẩn. Về sau, toàn bộ chế độ của tướng Thanom Kittikachorn khi đó là thủ tướng đã sụp đổ. Năm 1981, Nhà Vua Bhumibol đã phản đối một nhóm quan chức quân đội thực hiện đảo chính ở Bangkok. Nhà Vua cũng từng đập tan một cuộc đảo chính bằng cách mời Thủ tướng Prem Tinsulanonda khi đó bị bao vây ở lại cung điện hoàng gia.

Quyền lực của Nhà Vua bắt nguồn từ tình yêu và lòng tôn kính sâu sắc mà người dân Thái dành cho ông. Họ coi ông không chỉ là người của công chúng mà còn là vị cha nhân từ mà họ ngưỡng mộ. Giáo sư Pongsudhirak cho biết quyền lực của Nhà Vua chính là quyền lực đạo đức - điều mà ông đã củng cố nhiều thập kỷ. Đó chỉ đơn thuần là sức mạnh từ lối sống và nhân cách.

Trong những năm cuối đời, Nhà Vua ít thể hiện quan điểm chính trị cho dù Thái Lan trượt từ khủng hoảng này tới khủng hoảng khác. Dù vậy, khi sức khỏe yếu, tuổi lại cao, ông vẫn có ảnh hưởng ở Thái Lan. Năm 2006, khi Thái Lan do chính quyền của ông Thaksin Shinawatra điều hành, Nhà Vua không công khai can thiệp mà thay vào đó kêu gọi giới tư pháp giải quyết bế tắc chính trị.

Đối với người dân Thái, họ tin rằng khi mọi thứ rơi vào vòng xoáy hỗn loạn, luôn có một người là Nhà Vua - người có thể mang lại hòa bình và trật tự. Khi không còn điểm tựa tinh thần là Nhà Vua nữa, Thái Lan rất có thể lâm vào bất ổn kéo dài.

Nhà Vua Bhumibol mới hai tuổi thì cha qua đời. Ông cùng các anh chị em được mẹ đưa tới Thụy Sĩ học. Năm 1935, Vua Prajahipok thoái vị, ngai vàng được truyền cho hoàng tử Ananda 10 tuổi là anh trai ông Bhumibol. Khi Vua Ananda chết trẻ, ông Bhumibol đã kế vị năm 1946. Sau đó, ông trở lại Thụy Sĩ vài năm, học chính trị và lịch sử tại Đại học Lausanne. Khi tới Paris một lần nọ, ông gặp Sirikit Kitiyakara - cô gái có cha là một người dòng dõi hoàng gia Thái Lan đang làm một nhà ngoại giao ở châu Âu. Họ kết hôn năm 1950 và có bốn người con.


Thùy Dương