05:14 11/05/2015

Vụ tàu Mistral: Pháp ‘bỏ thì thương, vương thì tội’

Chính quyền Pháp chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vụ tàu sân bay lớp Mistral, sau khi Tổng thống Francois Hollande có cuộc gặp với đồng cấp người Nga Vladimir Putin hôm 6/5 tại thủ đô Yerevan, Armenia.

Chính quyền Pháp chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vụ tàu sân bay lớp Mistral, sau khi Tổng thống Francois Hollande có cuộc gặp với đồng cấp người Nga Vladimir Putin hôm 6/5 tại thủ đô Yerevan, Armenia.

Theo lịch, ngày 16/5 tới đây sẽ là thời điểm Nga và Pháp đưa ra tuyên bố về việc có thực hiện hay là hủy hợp đồng. Trong bối cảnh hiện nay, Paris đang ở thế tiến thoái lưỡng nan: Không biết nên đánh đắm Mistral hay là đưa tàu đổ bộ trực thăng này vào biên chế hải quân Pháp.

Đánh chìm tàu Mistral hẳn nhiên sẽ là một hành động tàn phá “điên rồ”. Nó không chỉ là việc đổ bỏ hàng tỉ euro xuống biến, mà còn là mồ hôi, công sức của rất nhiều kĩ sư, công nhân người Pháp - những người tham gia thiết kế, xây dựng 2 tàu Mistral – là Vladivostok và Sevastopol.

Chiếc Vladivostok mà Pháp đóng cho Nga theo hợp đồng đã ký kết. Ảnh: RIA Novosti


Trên thực tế, khả năng Pháp chuyển giao Mistral cho Nga gần như là không còn. Thế nhưng, ngay trước khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp ở Yerevan, Paris vẫn cho chạy thử chiếc Sevastopol. Tại sao Pháp lại làm vậy khi mà tình cảnh là tuyệt vọng? Có thể một “khe hở” đã được tạo ra và giờ mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào ông Hollande – người cũng đang chịu những sức ép lớn từ Washington.

Ông chủ Điện Elysee rất dễ bị cáo buộc là “người phản bội”. Người dân Pháp tin rằng, ông Hollande cần phải “bỏ tiền túi” ra để bồi thường cho Nga nếu Pháp không giao tàu Mistral. Vài ngày tới sẽ là quãng thời gian quyết định đối với Tổng thống Hollande.

Truyền thông Pháp liên tục đưa ra những đồn đoán rằng Paris sẽ làm gì với hai chiếc tàu chiến đóng cho Nga theo hợp đồng ký kết hồi năm 2011, rằng liệu nước Pháp cuối cùng sẽ chấp nhận giữ lại tàu Mistral? Tờ Le Figaro bình luận, đánh đắm Vladivostok và Sevastopol sẽ là giải pháp “kinh tế nhất”. Lý do là việc, hai tàu này ngốn khoản ngân sách 5 triệu euro/tháng chỉ riêng cho duy tu, bảo dưỡng. Thế nhưng đối với những kĩ sư và công nhân Pháp thì đây là điều khó chấp nhận được. Pháp nổi tiếng với ngành đóng tàu, nhiều người dân nước này tin rằng, khi tàu đã được đặt tên, việc đánh đắm đồng nghĩa với hành động “giết người”.

Từ chối thực hiện hợp đồng thì lại gây ra những tổn thất lớn đối với chính quyền của Tổng thống Hollande. Pháp sẽ phải hoàn trả khoản tiền 890 triệu euro trong tổng số 1,2 tỉ euro theo hợp đồng đã ký. Khoản tiền phạt đi kèm có thể còn lên đến hàng tỉ euro. Ai sẽ là người đứng ra trả “núi tiền” này? Đương nhiên là chính phủ Pháp – vì hợp đồng kí kết theo bảo lãnh cấp nhà nước. Trong bối cảnh mà kinh tế Pháp còn đang chưa hồi phục rõ nét, gánh nặng tài chính sẽ lại dồn lên những người dân đóng thuế. Thêm vào đó, ngành công nghiệp quân sự của Pháp chịu nhiều tai tiếng trong con mắt của nhiều nước.

Không “đẩy” được Vladivostok và Sevastopol, Pháp buộc lòng phải giữ lại hai tàu này. Bế tắc nằm ở chỗ, mọi thiết bị trên tàu đều là của Nga, mọi hướng dẫn cùng đều bằng tiếng Nga. Cơ hội tìm được khách hàng thay thế là không có, khi mà các cuộc đàm phán với Australia, Canada, Ai Cập, Algeria thời gian gần đây đều thất bại. Đến đây, Pháp chỉ còn cách là đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân. Quyết định này cũng sẽ gây tranh cãi, vì nó làm mất cân bằng bố trí lực lượng của hải quân nước này, vốn đã có 3 tàu Mistral, 15 tàu hộ vệ tên lửa và 6 tàu ngầm hạt nhân đảm trách các chiến dịch tấn công. Không những vậy, Pháp còn phải đứng trước sức ép không được gia tăng ngân sách quốc phòng.

Đối với Nga thì sao? Việc Pháp từ chối thực hiện hợp đồng là một tín hiệu xấu. Thế nhưng đứng trên quan điểm duy trì sức mạnh quốc phòng, việc không sở hữu tàu Mistral không có tác động quá lớn - như Tổng thống Putin đã từng khẳng định.


Hoài Thanh (Theo Pravda)