12:14 07/12/2018

Vụ tấn công Lãnh sự quán tại Pakistan lộ điểm yếu của Trung Quốc

Nhiều vụ tấn công nhằm vào công dân và các trụ sở của Trung Quốc ở hải ngoại đã bộc lộ mắt xích lỏng lẻo của Bắc Kinh khi muốn mở rộng hiện diện trên trường quốc tế. Một ví dụ điển hình là vụ các tay súng tấn công lãnh sự quán Trung Quốc sáng 23/11.

Lực lượng Quân đội Giải phóng Balochistan (BLA) đã nhận trách nhiệm vụ tấn công lãnh sự quán Trung Quốc khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 3 tay súng BLA. BLA với thành viên chủ yếu là người dân tộc Baloch cáo buộc Trung Quốc đã gây tổn hại đến tương lai tỉnh Baclochistan – quê hương của họ.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tấn công lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi. Ảnh: SCMP

Balochistan là trọng tâm trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 63 tỷ USD. Bên cạnh đó cảng Gwadar – nơi Trung Quốc lên kế hoạch đặt căn cứ quân sự thứ hai ở hải ngoại - cũng nằm tại tỉnh Balochistan.

Trước đó, trong tháng 8, 3 công dân Trung Quốc đã bị thương khi BLA tấn công nhằm vào chiếc xe buýt chở các kỹ sư Trung Quốc tại Dalbandin.

Từ trường hợp tại Pakistan, nhiều nhà phân tích đánh giá công dân Trung Quốc ở nước ngoài đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành mục tiêu bị tấn công. Tháng 2/2011, chính phủ Trung Quốc đã buộc phải điều máy bay và tàu thủy đến sơ tán hàng nghìn người động tại Libya sau khi nhân viên tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc bị tấn công trong binh biến ở quốc gia này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tính trong năm 2017, cơ quan này phải xử lý hơn 86.000 trường hợp công dân cần sự hỗ trợ của đại sứ quán và lãnh sự quán, tăng 45% so với năm trước đó.

Nhưng theo ông Wang Yizhou tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc chỉ có 6.500 nhân viên ngoại giao ở hải ngoại, tương đương mỗi người chịu trách nhiệm quản lý cho 190.000 công dân. Trong khi đó, nếu đem so sánh thì mỗi nhân viên ngoại giao Mỹ ở nước ngoài sẽ chịu trách nhiệm cho 6.000 công dân.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn thống kê của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có hơn 100 triệu công dân quốc gia này du lịch nước ngoài hàng năm.

Công ty Rand (Mỹ) trong tháng 3 đã đưa ra báo cáo nhận xét Trung Quốc đang phụ thuộc khá nhiều vào quốc gia khác cũng như các công ty an ninh tư nhân để đảm bảo an toàn cho công dân và doanh nghiệp nước này. Hiện tại có khoảng 3.000 nhân viên an ninh tại các doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực bảo vệ của Trung Quốc đang hoạt động ở nước ngoài.

Chính phủ Pakistan đã cam kết triển khai 10.000 quân nhân để bảo vệ cảng biển vốn thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Có ý kiến cho rằng các biện pháp an ninh của Trung Quốc đang đi chậm tiến độ so với việc đầu tư khổng lồ ra nước ngoài. Năm 2017, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc giữ ở mức 158,29 tỷ USD, trong khi đó Trung Quốc cũng đang đầu tư vào một số dự án cơ sở hạ tầng quốc tế trong chương trình “Vành đai, Con đường”. Theo Bộ Ngoại giao, hiện có 30.000 công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc bắt đầu chủ trương thay đổi. Chính phủ Trung Quốc cho phép quân đội cử nhân sự ra nước ngoài tham gia chiến dịch chống khủng bố và còn mở căn cứ quân sự đầu tiên ở hải ngoại. Hải quân Trung Quốc cũng tham gia vào chiến dịch chống cướp biển tại Vịnh Aden. Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2008 đến đầu năm 2015, Hải quân Trung Quốc đã cử 16.000 thủy thủ tới khu vực này để chống cướp biển.

Hà Linh/ Báo Tin tức