10:10 26/10/2018

Vụ sát hại nhà báo Khashoggi đẩy Saudi Arabia vào vòng xoáy khủng hoảng ngoại giao

Nghi án Saudi Arabia đứng đằng sau cái chết của nhà báo bình luận chính trị Jamal Khashoggi đang khiến chính quyền Riyadh hứng chịu búa rìu dư luận và đẩy Vương quốc Hồi giáo này vào một vòng xoáy khủng hoảng ngoại giao.

Chú thích ảnh
Nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi. Ảnh: Daily Mail

Thế giới rúng động trước sự kiện nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại bên trong Lãnh sự quán nước này ở Istanbul. Thông tin do phía chính quyền Ankara công bố đã tìm thấy thi thể ông Khashoggi thật sự khiến dư luận quốc tế bàng hoàng. Vụ việc có nguy cơ làm rung chuyển các quan hệ truyền thống của Saudi Arabia và đẩy Vương quốc Hồi giáo vào một vòng xoáy khủng hoảng ngoại giao.

Một vụ thủ tiêu?

Nhà báo Khashoggi nổi tiếng với những bài bình luận phê phán chính quyền Saudi Arabia. Ông Khashoggi - mang quốc tịch Saudi Arabia, làm việc cho báo Bưu điện Washington và sinh sống tại Mỹ - mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau nhiều lần bác bỏ, trước áp lực của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, tới ngày 19/10 nhà chức trách Saudi Arabia phải thừa nhận ông Khashoggi đã thiệt mạng trong Lãnh sự quán nước này. Tuy nhiên, giải thích của Riyadh không làm hài lòng các bên quan tâm. Ankara đã quyết định mở cuộc điều tra toàn diện về vụ việc.

Ngày 23/10, sự thật kinh hoàng được phanh phui. Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời nhà lãnh đạo Đảng Ái quốc (VATAN) của Thổ Nhĩ Kỳ Dogu Perincek cho biết các điều tra viên nước này đã tìm thấy bộ phận thi thể nhà báo Khashoggi dưới đáy giếng trong vườn tư dinh Tổng lãnh sự Saudi Arabia ở thành phố Istanbul.

Phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayyip Erdogan cho rằng giết hại nhà báo Khashoggi là một âm mưu thủ tiêu được phía Saudi Arabia lên kế hoạch chi tiết từ trước. Mọi camera an ninh trong Lãnh sự quán nước này đã được vô hiệu hóa trước vụ sát hại. Theo ông Erdogan, đây là một vụ giết người dã man, mang động cơ chính trị. Tổng thống Erdogan kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra độc lập nhằm làm rõ cái chết của nhà báo này, đồng thời bày tỏ tin tưởng sự hợp tác của Quốc vương Saudi Arabia Salman đối với cuộc điều tra.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu 18 đối tượng tình nghi mà Saudi Arabia đã bắt giữ cần bị đưa ra xét xử tại Istanbul. Cũng theo ông Erdogan, một nhóm đặc vụ Saudi Arabia đã tới Thổ Nhĩ Kỳ và đi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul một ngày trước khi nhà báo Khashoggi bị sát hại. Sau đó có 3 người trong nhóm này đã có chuyến thăm dò tại rừng Belgrad ở Istanbul và cung đường Yalova cách Istanbul 90 km.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan quyết làm rõ tới cùng vụ Khashoggi. Ảnh: Getty

Saudi Arabia đối mặt với khủng hoảng ngoại giao vì vụ Khashoggi

Vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia và các nước phương Tây, nhất là Mỹ. Ngày 23/10, một loạt nước phương Tây chỉ trích vụ giết hại nhà báo Khashoggi. Tại London, Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi tìm ra “sự thật” trong vụ giết người này. Phát biểu trước Quốc hội Anh, bà May nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng toàn thể quốc hội sẽ cùng tôi lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Chúng ta phải tìm ra sự thật về những gì đã xảy ra”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, một đồng minh châu Âu của Anh, cũng gọi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là “hành động độc ác”, đồng thời khẳng định Berlin sẽ dừng bán vũ khí cho Riyadh cho đến khi vụ việc được làm rõ.

Australia tuyên bố để ngỏ khả năng xem xét cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia, đồng thời cho biết nước này không còn ưu tiên một thỏa thuận công nghiệp quốc phòng với Riyadh. Trước đó, Australia cũng đã phản ứng về vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng cách tẩy chay hội nghị đầu tư do Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tổ chức và đang diễn ra ở Riyadh.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong cuộc điện đàm ngày 25/10 rằng Paris sẽ hành động chống lại Riyadh nếu kết quả điều tra cho thấy chính quyền Saudi Arabia đứng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Chú thích ảnh
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: AFP

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định Washington muốn biết mọi chi tiết về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, lý do dẫn đến cái chết của ông Khashoggi và ai là thủ phạm? Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vụ giết hại ông Khashoggi là "một trong những vụ thủ tiêu tồi tệ nhất trong lịch sử". Phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng cho biết ông sẽ sớm nhận được báo cáo về cái chết của nhà báo Khashoggi. Ông Trump nêu rõ ông muốn biết toàn bộ sự thật trong vụ này. Washington cũng đã quyết định trừng phạt hơn 20 cá nhân Saudi Arabia bị tình nghi liên quan tới vụ sát hại.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel đã thân chinh tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/10 để phối hợp điều tra vụ việc. Theo các nguồn thạo tin, sau khi tới Thổ Nhĩ Kỳ, Giám đốc CIA Haspel yêu cầu được nghe một đoạn ghi âm liên quan vụ giết nhà báo Khashoggi.

Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani cho biết EP chính thức nhận được đơn khẩn cầu từ vợ chưa cưới của nhà báo Khashoggi, bà Hatice Cengiz. Ông Tajani kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và nghiêm túc về cái chết của nhà báo này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã ra tuyên bố chung "lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất" và kêu gọi Riyadh phải đảm bảo vụ việc như vậy không bao giờ tái diễn. Các ngoại trưởng cũng nhắc lại kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, đáng tin cậy, minh bạch và nhanh chóng.

Làm phá sản “ván cờ” của Mỹ ở Trung Đông?

Sau khi lên cầm quyền năm 2017, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump là tới Saudi Arabia. Riyadh được coi là một đồng minh lâu đời và quan trọng của Washington ở vùng Vịnh và các tổng thống Mỹ trước đây đều đứng về phía vương quốc giàu dầu mỏ này. Thậm chí, chính quyền Tổng thống Trump đã có những bước tiến xa hơn và đặt nhiều kỳ vọng hơn vào Saudi Arabia nhằm thực hiện một chiến lược mới đầy tham vọng ở Trung Đông.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi vụ sát hại ông Khashoggi là "vụ che đậy tội ác tồi tệ". Ảnh: AP

Tuy nhiên, việc Saudi Arabia sát hại ông Khashoggi, một nhà báo định cư tại Mỹ, đã khiến Washington khó có thể bênh vực đồng minh này. Với Mỹ, việc sát hại công dân trên lãnh thổ một nước khác là hành động vi phạm chủ quyền và không thể chấp nhận được. Lời nói đã đưa ra, một khi có kết luận cuối cùng, Tổng thống Trump có lẽ sẽ phải trừng phạt Saudi Arabia. Về phần mình, Riyadh có trong tay lá bài dầu lửa và nước này có thể sẽ giảm sản lượng xuất khẩu, đẩy giá dầu thế giới tăng cao. Nếu giá dầu tăng, các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ đối Iran sẽ không còn mấy hiệu quả.

Như vậy, vụ sát hại nhà báo Khashoggi có nguy cơ làm đảo lộn “ván cờ” của Mỹ ở Trung Đông trong bối cảnh Nhà Trắng đang rất cần những đồng minh đáng tin cậy như Saudi Arabia trong cuộc chiến chống khủng bố và đối phó với Iran.   

Thanh Tuấn/Báo Tin tức