08:10 10/08/2020

Vụ nổ ở Beirut: EU kêu gọi điều tra độc lập

Ngày 9/8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng tại thủ đô Beirut (Liban) hồi tuần trước.

Chú thích ảnh
 Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau vụ nổ kinh hoàng ở Beirut, Liban ngày 6/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến nhằm huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ Liban khắc phục hậu quả và tái thiết sau vụ nổ, ông Michel cho rằng điều cần thiết nhất vào lúc này là niềm tin và sự thật. Chủ tịch EU nhấn mạnh người dân Liban muốn được biết rõ nguyên nhân vụ việc, sự minh bạch và công lý, vì vậy việc tiến hành một cuộc điều tra độc lập và đáng tin cậy về nguyên nhân của thảm họa là đặc biệt quan trọng. Trước đó, ngày 8/8, ông Michel đã tới thăm thủ đô của Liban và trực tiếp thị sát hiện trường vụ nổ.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế đối với vụ nổ tại thủ đô Beirut trong chuyến thăm tới Liban. Tổng thống Pháp cũng ủng hộ những lời kêu gọi từ trong và ngoài Liban, cho rằng cần tiến hành một cuộc điều tra độc lập. 

Vụ nổ xảy ra ngày 4/8 tại một nhà kho của cảng Beirut khi các tia lửa hàn châm ngòi cho những quả pháo được cất giữ gần nhà kho, kéo theo 2.750 tấn amoni nitrat cùng phát nổ. Số hóa chất này lưu kho cảng Beirut để chờ được xử lý từ năm 2014. Theo các nhà địa chấn học, vụ nổ tương đương một trận động đất có độ lớn 4,5. Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy nguyên nhân có thể là do tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua. Số nạn nhân thiệt mạng hiện đã lên tới con số 158 người, trong khi hơn 6.000 người bị thương và hiện còn 21 người mất tích. Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa, thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ USD.

Ngày 9/8, Thị trưởng Beirut Marwan Abboud cho biết có nhiều người mất tích mà giới chức chưa thể xác nhận danh tính, là những lái xe tải và những lao động người nước ngoài, không có người thân tới nhận diện. Điều này khiến công tác nhận diện tử thi trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Chính phủ Syria mới đây cho rằng khoảng 45 nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ trên là người Syria. Các công dân Syria chiếm đa số trong lực lượng lao động người nước ngoài tại Liban, làm việc trong các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và giao thông.

Tình hình ở Beirut cũng trở nên phức tạp hơn khi hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ từ ngày 8/8, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay để giải tán, dẫn tới những cuộc đụng độ khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh.

Phát biểu tại hội nghị quốc tế về tài trợ cho Liban, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi ngày 9/8 đã kêu gọi người dân Liban tránh đẩy đất nước vào những mâu thuẫn và xung đột, cần tập trung nỗ lực để củng cố các cơ quan công quyền. Ông al-Sisi cũng kêu gọi Chính phủ Liban nhanh chóng triển khai các biện pháp cải cách kinh tế để đáp ứng những mong mỏi của người dân. Tới nay, Ai Cập đã điều 2 máy bay chở các thiết bị y tế và thực phẩm tới hỗ trợ Liban, thiết lập một bệnh viện dã chiến tại Beirut hỗ trợ chăm sóc cho những người bị thương.

Lê Ánh (TTXVN)