11:08 14/11/2017

Vụ mất tích của 300 thủy thủ Trung Quốc tại Liverpool - Kỳ 2

Bà Yvonne Foley và chồng là ông Charles Foley đã đi theo những manh mối để tìm sự thực về người cha là một thủy thủ Trung Quốc mất tích ở Liverpool năm 1946. Họ đã phát hiện ra những sự thực lịch sử.

Bà Yvonne Foley và mẹ, bà Grace Isherwood

Những người không được hoan nghênh

Trong thời chiến, thủy thủ tàu hàng của Anh được điều đi thực hiện nhiệm vụ hải quân và việc sử dụng những thủy thủ thạo nghề của Thượng Hải và Hong Kong là một giải pháp lý tưởng và hiệu quả về chi phí cho tình trạng thiếu lao động. “Giá nhân công thủy thủ Trung Quốc không những rẻ, họ còn vâng lời, chăm chỉ, không uống rượu và gây rắc rối. Trước chiến tranh, thủy thủ Trung Quốc đã có tiếng tốt ở châu Âu”, ông Han Qing, Giáo sư về lịch sử và văn hóa hàng hải thuộc Đại học Hàng hải Đại Liên, Trung Quốc, trả lời tờ China Daily.

Nhưng ông Charles Foley, chồng của bà Yvonne Foley, phát hiện rằng thay vì được công nhận và biết ơn vì những đóng góp cho chiến tranh, những thủy thủ Trung Quốc ở Liverpool đã bị kỳ thị và khinh miệt, cũng như được trả lương thấp hơn những thủy thủ người Anh.

Khi chiến tranh kết thúc, người Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành những người không được hoan nghênh. Holt đã cắt giảm lương của thủy thủ Trung Quốc. Khoản tiền trợ cấp nguy cơ chiến tranh bị thu hồi trong khi các đối tác Anh tiếp tục được hưởng lợi. Đây là một động thái rất khiêu khích, và đại diện Holt ở Hong Kong, Butterfield và Swire, đã viết thư cho hãng vận tải này, cảnh báo rằng mức lương không hợp lý sẽ gây rắc rối.

Sau khi kết thúc hợp đồng làm việc, nhiều thủy thủ Trung Quốc ở Liverpool và các cảng khác đã lên các tàu thương nhân đi về các cảng ở đông Á. Nhưng những giấy tờ của chính phủ mà chồng của Yvonne Foley phát hiện ra đã dẫn bà đến câu hỏi: Liệu bà có hiểu nhầm người cha Thượng Hải của mình hay không. Những gì mà Foley nghe kể từ mẹ nhiều năm trước khi bà qua đời năm 1981, bắt đầu trở nên có ý nghĩa hơn.

Tại Văn phòng thông tin công cộng ở London, có văn bản bằng chứng một cuộc họp của Bộ Nội vụ vào ngày 19/10/1945, cho thấy chính phủ quyết định loại bỏ các thủy thủ Trung Quốc, gọi họ là “yếu tố không được hoan nghênh ở Liverpool”. Âm mưu này có thể có liên quan tới chính quyền thành phố Liverpool, nơi cần nhiều nhà cho những người đàn ông địa phương trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở nước ngoài. Charles Foley tìm thấy bằng chứng trong kho lưu trữ của công ty Alfred Holt rằng tổ chức này đã mong muốn trục xuất các thủy thủ Thượng Hải.

Hành trình tìm cha chưa kết thúc

Quay trở lại thời điểm năm 1945, thời điểm mẹ của bà Yvonne Foley - bà Grace Isherwood và chàng thủy thủ người Thượng Hải gặp nhau ở trường đại học. Chưa rõ liệu khi đó ông Nan có phải là một sinh viên hay không, nhưng ông có thể đã học nghề kỹ sư. Trong 2 năm, họ đã hẹn hò bất chấp sự phản đối của gia đình Isherwood. Cậu của bà Yvonne từng kể đã cùng ông ngoại bà đến bắt bà Grace về nhà. Do chưa đủ tuổi thành niên (chưa đủ 21 tuổi), bà Grace cần sự chấp thuận của cha mẹ và bà Foley cho rằng mẹ bà đã mang thai để buộc gia đình chấp nhận cho cưới người đàn ông Trung Quốc mà bà đem lòng yêu. Nếu đúng như vậy, thì kế hoạch này đã thất bại.

“Mẹ tôi rời khỏi Liverpool (trong năm 1945 hoặc đầu năm 1946) khi bà đã có mang tôi”, Foley nói.

Nhà Foley tìm được bằng chứng cho thấy bà Grace và ông Nan đã chuyển tới Hull, phía đông England và mua một căn nhà nhỏ ở đó. Hãng Holt đã điều hành một tuyến vận tải từ cảng phía đông bờ biển có tên là Glen, gần như chắc chắn rằng ông Nan đã làm việc trên những tàu này.

Thủy thủ Trung Quốc bên ngoài nơi trọ ở Liverpool năm 1942.

Nhiều phụ nữ lập gia đình với những thủy thủ Trung Quốc không chính thức kết hôn, có thể là bởi giống như Grace, họ khi đó chưa đủ 21 tuổi và không có được sự chấp thuận của gia đình hoặc có thể là vào những năm 1940, khi phụ nữ kết hôn với người nước ngoài họ từ bỏ tư cách công dân Anh và nhận lấy quốc tịch của chồng mình. Nhưng dù có kết hôn với người Trung Quốc hay không, họ đều bị gọi là “những phụ nữ dễ dãi”. Trong một số tài liệu khác, Charles Foley phát hiện rằng các quan chức chính phủ đã thải hồi những người đã kết hôn hoặc sống chung với người Trung Quốc, cho họ là “tầng lớp mại dâm”.
 
Những thủy thủ Trung Quốc cho rằng họ có thể ở lại Liverpool, rằng tấm thẻ thủy thủ hay sổ thông hành của thủy thủ cũng có thể được sử dụng như hộ chiếu hay thị thực. Nhưng hồ sơ của Bộ Nội vụ Anh mà Charles Foley nhìn thấy cho thấy 800 người đã được cho hồi hương vào ngày 23/3/1946. Trong số này, 231 người đã bị “vây bắt”. Tới ngày 11/7 cùng năm, số lượng thủy thủ hồi hương đã tăng tới 1.362 người.

Theo ông Foley, việc buộc thủy thủ Trung Quốc về nước được thực hiện với sự chấp nhận của Liên minh thủy thủ địa phương – không muốn cạnh tranh với lao động nước ngoài giá rẻ, và Đại sứ quán Trung Quốc ở London.

Giới chức địa phương cho biết không có thủy thủ Trung Quốc nào kết hôn với phụ nữ Anh bị buộc hồi hương – tình huống pháp lý này phức tạp và chính phủ không muốn chia tách các gia đình – nhưng Charles Foley đã phát hiện những bằng chứng chứng minh điều này không chính xác. Trong đó, ít nhất một người đàn ông Trung Quốc đã lập gia đình với phụ nữ Anh, có 3 người con, đã bị “vây bắt” và trục xuất.

Nhiều thủy thủ Trung Quốc đã lập gia đình và có con với phụ nữ Anh nhưng chưa chính thức kết hôn còn bị buộc trở lại quê hương mà không kịp nói một lời từ biệt.

Khu phố ChinaTown sáng đèn ở Liverpool.

Yvonne Foley nhớ lại một câu chuyện khác. “Ngôi nhà ở Hull bị trộm khi bố đi biển còn mẹ nói rằng có trang sức và tiền mặt trong nhà, nhưng trộm chỉ lấy giấy tờ của bố”.

Dù là ông ấy bị bắt và bị trục xuất hay chỉ lên tàu đi về phương Đông và bị từ chối vào lại Anh, nhưng không có vẻ là cha của Foley đã trở về Thượng Hải. Hầu hết thủy thủ Trung Quốc bị buộc hồi hương đã nhảy lên các con tàu và tìm việc ở Singapore hoặc Hong Kong, cho đến khi phát hiện họ bị tất cả các công ty vận tải biển phương Tây đưa vào “danh sách đen”.

Sau khi nội chiến Trung Quốc kết thúc, năm 1949, các công ty vận tải biển của Thượng Hải đã chuyển tới Hong Kong. Đó có thể là nơi mà cha của Foley đã tới.

“Mẹ tôi nói bà nhận được hai bức thư từ bố sau khi ông rời đi, qua cộng đồng Trung Quốc ở Liverpool – bức thư đầu tiên đến từ Hong Kong và bức sau thì gửi từ Đài Loan”. Sau khi mẹ qua đời, bà Yvonne Foley đã không thể tìm được những bức thư này. Có lẽ những bức thư này giải thích bí ẩn vụ mất tích của hàng trăm thủy thủ Trung Quốc năm 1946. Cũng rất có thể chúng chứa đựng lời cầu xin bà Grace đoàn tụ với ông Nan ở Thượng Hải hoặc Hong Kong để cùng bắt đầu cuộc sống mới.

Trong nhiều năm qua, bà Foley đã giữ liên lạc với những người cũng lạc mất cha là thủy thủ người Trung Quốc ở Liverpool năm 1946. Trong số đó, một người có tên Brian Flower nhớ rằng cha của ông đã trở về Liverpool năm 1950. Một người tên là Josh Law thì nhớ rằng ông còn được cha cho 5 bảng Anh.

Những lời kể này khiến Foley nhớ về thời thơ ấu: Hôm đó bà cùng mẹ, cha dượng và em gái Mary cùng đi gặp một người. Bà nhìn thấy một người đàn ông mặc áo măng tô dài, đầu đội mũ phớt đứng dưới ngọn đèn đường. Cha dượng đặt tay bà vào tay mẹ và bế lấy em gái Mary. Cha dượng nói với mẹ bà: “Hãy giải quyết chuyện này”. Mẹ bà sau đó tiến tới người đàn ông lạ và nói: “Quá muộn rồi, đã quá muộn rồi”.

Bà Yvonne và em gái cùng mẹ khác cha Mary năm 1953.

Liệu có phải cha đẻ của bà đã trở về từ Hong Kong để đoàn tụ với gia đình, chỉ để nhận ra rằng vợ ông – bà Grace đã tái hôn và có đứa con thứ hai?

Năm 2006, Yvonne Foley và chồng thuyết phục hội đồng thành phố Liverpool cho phép họ đặt một tấm biển tưởng niệm ở đầu cầu tàu tại các bến tàu ở Liverpool. Lời đề tặng trên bảng tưởng niệm được viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Vụ mất tích của 300 thủy thủ Trung Quốc ở Liverpool năm 1946 chưa được làm sáng tỏ. Và Yvonne Foley cũng như nhiều người con khác chưa tìm thấy cha sẽ tiếp tục cuộc hành trình của họ.

Bà Yvonne đã nói về cuộc hành trình này: "Tôi làm điều này không phải để tìm cha tôi. Mà tìm ra điều gì đã xảy ra với ông ấy. Và thay vào đó, tôi đã tìm thấy cha tôi trong chính bản thân mình".

Trần Minh/Báo Tin Tức