10:08 23/10/2014

Vũ khí dầu trong cuộc chiến toàn cầu của Mỹ-Kỳ cuối: Đối đầu với Nga

Cách tiếp cận bằng vũ khí dầu dường như đang định hướng chính sách của Mỹ đối với Nga.

Giáo sư Michael T. Klare chuyên nghiên cứu về Hòa bình và An ninh thế giới tại trường Đại học Hampshire (Mỹ) cho rằng cách tiếp cận bằng vũ khí dầu mỏ dường như đang định hướng chính sách của Mỹ đối với Nga.

Trước khi Crimea sáp nhập vào Nga và cuộc xung đột ở Đông Ukraine bùng phát, các công ty dầu mỏ chủ chốt của phương Tây, trong đó có BP, Chevron, Exxon Mobil và Total (Pháp), đã theo đuổi một kế hoạch chi tiết để bắt đầu sản xuất ở các khu vực Biển Đen và Biển Bắc Cực do Nga kiểm soát, chủ yếu là hợp tác với các công ty nhà nước của Moskva như Gazprom và Rosneft. Ví dụ, đã có một số dự án hợp tác mở rộng chung giữa công ty Exxon và Rosneft để khoan ở những vùng biển giàu năng lượng.

Đã có một số dự án hợp tác mở rộng chung giữa công ty Exxon và Rosneft để khoan ở những vùng biển giàu năng lượng ở Bắc Cực.


Năm 2012, Rex Tillerson, Giám đốc Điều hành (CEO) của Exxon, tự hào tuyên bố rằng: “Các thỏa thuận này là những cột mốc quan trọng trong mối quan hệ chiến lược. Hiện nay, chúng tôi tập trung chuyển sang lập kế hoạch mang tính kỹ thuật và thực hiện các hoạt động thăm dò có trách nhiệm với môi trường cũng như sự an toàn, với mục tiêu phát triển đáng kể nguồn cung cấp năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng”.

Được xem là một món hời đối với các công ty năng lượng và nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào dầu của Mỹ, sự hợp tác trên và những nỗ lực tương tự đã được phần lớn các quan chức Mỹ hoan nghênh. Sự hợp tác giữa các công ty Mỹ và các doanh nghiệp nhà nước Nga trong lĩnh vực năng lượng cũng được coi là mang lại lợi ích cho cả hai bên. Exxon và các công ty phương Tây khác đã được phép tiếp cận vào các khu vực có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn, mới - một sức hút mạnh mẽ vào thời điểm mà nhiều công ty khai thác dầu ở các nơi khác đang suy giảm nguồn cung. Đối với người Nga, việc tiếp cận với công nghệ khoan dầu tiên tiến của phương Tây hứa hẹn sẽ cho phép họ khai thác ở những nơi như Bắc Cực và những khu vực khó khoan khác.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những nhân vật chủ chốt của cả hai bên đã tìm cách “cách ly” những thỏa thuận trên khỏi các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhằm chống lại Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Đặc biệt, ông Tillerson đã tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo Mỹ rằng các hợp đồng của họ với Rosneft không liên quan đến bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. "Quan điểm của chúng tôi đang được xem xét ở mức cao nhất", ông Tillerson cho biết trong tháng 6 vừa qua.

Kết quả từ những áp lực như vậy, các công ty năng lượng Nga không nằm trong vòng trừng phạt đầu tiên của Mỹ áp đặt với hàng loạt các công ty và cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, sau khi tình hình ở phía đông Ukraine trở nên căng thẳng hơn, Nhà Trắng tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, nhằm cả vào ngành năng lượng của Moskva. Ngày 12/9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng họ hạn chế nghiêm ngặt việc chuyển giao công nghệ khoan dầu của Mỹ cho Rosneft, Gazprom và các công ty khác của Nga với mục đích khoan ở Bắc Cực. Bộ trên lưu ý, những biện pháp này "sẽ ngăn cản Nga phát triển cái gọi là các nguồn tài nguyên dầu ‘cận biên’ hay ‘khác thường’, lĩnh vực mà các công ty Nga phụ thuộc nhiều vào công nghệ Mỹ và phương Tây".

Tác động của các biện pháp mới trên có thể chưa được đánh giá một cách cụ thể, nhưng các quan chức Nga đã chỉ trích chúng và nhấn mạnh rằng những công ty của họ sẽ tiến hành khoan dầu ở Bắc Cực bất kể thế nào. Tuy nhiên, quyết định của ông Obama nhằm vào các nỗ lực khoan dầu của Nga phản ánh một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ, đặt ra nguy cơ cắt giảm nguồn cung dầu toàn cầu nếu các công ty Nga không thể bù đắp sự sụt giảm từ các các mỏ khai thác hiện tại của họ.

Quyết định của ông Obama nhằm vào các nỗ lực khoan dầu của Nga phản ánh một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ, đặt ra nguy cơ cắt giảm nguồn cung dầu toàn cầu.


Có lựa chọn khác?


Những diễn biến gần đây chứng tỏ rằng chính quyền Obama đã coi vũ khí dầu mỏ như một công cụ quyền lực và ảnh hưởng có giá trị. Bởi vì, ngoài các cuộc không kích, tấn công bằng các phương tiện bay không người lái hoặc gửi lực lượng đặc nhiệm tới những khu vực xung đột, thì một hành động quân sự quy mô lớn dường như khó xảy ra trong môi trường chính trị hiện nay. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Obama tin rằng rõ ràng dầu là loại vũ khí hiệu quả và công cụ cưỡng bức chấp nhận được khi Mỹ vẫn còn khả năng kiểm soát.

Việc Washington hướng theo cách tiếp cận này được phản ánh không chỉ bằng sự gia tăng sản lượng dầu thô của Mỹ trong thời gian gần đây mà còn vì, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, năng lượng đang trở thành một tài sản chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Việc kiểm soát các dòng chảy của dầu trên khắp hành tinh và hạn chế sự tiếp cận thị trường đối với các nhà sản xuất dầu mỏ “cứng đầu” đang là một mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, do Washington có được rất ít thành công khi sử dụng lực lượng quân sự trực tiếp trong những năm qua, nên đây vẫn là một câu hỏi mở: Liệu vũ khí dầu cuối cùng sẽ giúp Mỹ giành được bất kỳ lợi thế chiến lược nào hay không?

Ví dụ, Iran đã thực sự trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, nhưng một kết quả khả quan dường như ngày càng xa vời; dù có hoặc không có dầu, ISIS tiếp tục có những bước tiến trên chiến trường; và Moskva cho thấy họ vẫn không nhượng bộ phương Tây về vấn đề Ukraine.

Nhưng trong khi không có sự lựa chọn đáng tin cậy nào khác, Tổng thống Obama và các quan chức chủ chốt của ông dường như vẫn quyết tâm sử dụng vũ khí dầu mỏ.

Mặc dù vậy, việc sử dụng vũ khí dầu cũng đặt ra những nguy cơ lớn. Thứ nhất, dù có sự gia tăng sản lượng dầu thô sản xuất ở trong nước, Mỹ sẽ vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu trong tương lai gần, và như vậy vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu các nước khác từ chối xuất khẩu. Quan trọng hơn là nguy cơ về một cuộc chiến dầu mỏ phiên bản mới mà Washington đã khai mào từ những năm 1990 một ngày nào đó có thể dẫn đến sự suy giảm nguồn cung toàn cầu, đẩy giá lên trời và do đó, đe dọa đến nền kinh tế Mỹ. Cuối cùng, người thiệt hại nhất lại chính là Washington.

Mỹ hiện đang được hưởng một lợi thế tạm thời trong cuộc chiến về năng lượng. Nhưng chắc chắn rằng các nước khác cũng sẽ tìm cách san bằng lợi thế này và có thể sử dụng chính “vũ khí dầu” để chống lại Mỹ.


Công Thuận (Mother Jones)