09:09 27/09/2013

Vụ đảo chính bất thành - Kỳ 2: Mục tiêu đảo chính

Trong khi 70% người dân thiếu ăn thì số tiền thu được từ bán dầu mỏ rơi vào tay Tổng thống Teodoro Obiang Nguema - mục tiêu của cuộc đảo chính - và họ hàng ông ta.

Trong khi 70% người dân thiếu ăn thì số tiền thu được từ bán dầu mỏ rơi vào tay Tổng thống Teodoro Obiang Nguema - mục tiêu của cuộc đảo chính - và họ hàng ông ta.


Obiang là cháu trai của tổng thống Guinea Xích đạo đầu tiên, ông Francisco Macias Nguema. Sau 11 năm cầm quyền, ông này bị giết chết trong cuộc đảo chính quân sự năm 1979 do chính Obiang cầm đầu.


Tổng thống Obiang.

 

Lúc đầu, Obiang được coi là một người cải cách hợp pháp, có công dỡ bỏ các lệnh cấm về tôn giáo, phóng thích tù nhân chính trị, hàn gắn quan hệ ngoại giao và khuyến khích người tị nạn hồi hương. Tuy nhiên, Obiang chẳng bao lâu đã củng cố quyền lực thông qua bạo lực, đe dọa và gian lận bầu cử. Guinea Xích đạo bị coi là một trong những nước vi phạm nhân quyền nặng nề nhất thế giới. Đại sứ quán Mỹ ở đây đã bị Tổng thống Bill Clinton đóng cửa năm 1995.


Năm 2002, Obiang tái đắc cử tổng thống với 97,1% phiếu bầu. Sau cuộc bầu cử năm đó, đài phát thanh nhà nước tuyên bố Obiang là người “có mối liên hệ thường trực với Thượng đế”. Có một cấp dưới còn gọi ông là “đức Chúa trên thiên đường” và “ông có thể quyết định giết người mà không có ai bắt phải chịu trách nhiệm và không phải xuống địa ngục vì bản thân ông đã là Chúa”.


Tổng thống Guinea Xích đạo lưu vong Severo Moto Nsa.

 

Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ lâu đã cắt chương trình viện trợ với Guinea Xích đạo vì ông Obiang lấy tiền của chương trình cho bản thân mình. Ông ta cũng làm điều tương tự khi tiền thu từ dầu mỏ bắt đầu chảy vào Guinea Xích đạo giữa những năm 1990.


Trong một báo cáo năm 2004, Bộ Năng lượng Mỹ khẳng định có bằng chứng cho thấy doanh thu từ dầu mỏ bị chính phủ Guinea Xích đạo biển thủ. Hơn nữa, chính phủ nước này lại không phân phối nguồn tiền từ dầu mỏ để phát triển đất nước, nên đã khiến nền kinh tế và cả xã hội phát triển trì trệ.
Những nhà điều tra cho biết Obiang không ngần ngại hớt những thứ ngon lành nhất cho bản thân. Một ví dụ điển hình là năm 1998, Guinea Xích đạo được trả 130 triệu USD tiền thuê mỏ dầu. Nhưng chính quyền của ông Obiang tuyên bố nước này chỉ được trả 34 triệu USD.


Trong số tiền tham nhũng, có khoảng 700 triệu USD chảy vào một ngân hàng có tiếng ở thủ đô Washington của Mỹ, một số do chính công ty dầu mỏ của Mỹ chuyển trực tiếp vào tài khoản của ông Obiang, sau đó được chuyển tới nhiều tài khoản bí mật ở nước ngoài.


Biệt thự xa hoa của ông Obiang tại Los Angeles, Mỹ.

 

Báo chí châu Âu hay đưa tin về việc Tổng thống Obiang và gia đình thường có những chuyến đi mua sắm “bét nhè” tại phố thời trang Faubourg Saint Honore ở Paris (Pháp). Gia đình tổng thống cũng mua bất động sản ở Mỹ. Ông Obiang có hai ngôi nhà ở ngoại ô Washington, một trị giá 2,5 triệu USD, một trị giá 1,3 triệu USD. Con trai tổng thống Obiang là Teodorin có một biệt thự 6,9 triệu USD ở Los Angeles.


Theo báo chí Anh, Teodorin là nguyên nhân gián tiếp làm nảy sinh âm mưu đảo chính. Trong thời gian Tổng thống Obiang điều trị bệnh ung thư và sự sống của ông tương đối mong manh, Teodorin bị coi là một người kế nhiệm “không ổn định”. Nhiều nhà đầu tư năng lượng lo lắng rằng hợp đồng ký kết với Tổng thống Obiang có thể không có giá trị nếu Guinea Xích đạo thay đổi tổng thống.


Mầm mống của cuộc đảo chính nảy sinh từ tháng 1/2003 trong một loạt cuộc họp ở London giữa Ely Calil - một tay buôn dầu mỏ gốc Liban ở London, và Simon Mann - một cựu sĩ quan lực lượng đặc biệt của Anh sau này trở thành một lính đánh thuê. Calil đã lợi dụng mối quan hệ với Severo Moto Nsa - một đối thủ khó chịu của ông Obiang và là Tổng thống của chính phủ Guinea Xích đạo lưu vong tại Madrid, Tây Ban Nha.


Theo thỏa thuận, ông Moto đã đồng ý thế chân Obiang sau vụ đảo chính. Động cơ của Calil chính là lời hứa ngầm cho phép khai thác dầu của chính phủ mới. Tháng 11/2003, Mann ký một hợp đồng 5 triệu USD với một nhóm nhà đầu tư Liban để thực hiện “các dự án khai mỏ, khai thác cá, hàng không và an ninh thương mại ở Tây Phi”. Các nhà đầu tư này thực chất chỉ làm bình phong cho Calil và vụ đảo chính mới là trọng tâm của bản hợp đồng.


Sau đó, Mann lại ký thỏa thuận 2 triệu USD với Nick du Toit, cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt Nam Phi có liên hệ với lính đánh thuê và giới buôn vũ khí, để thực hiện “dự án không xác định”. Du Toit chính là người chịu trách nhiệm tìm đội lính đánh thuê, phần lớn là những người trong chế độ Apartheid. Cuối năm 2003 và đầu năm 2004, du Toit đã đến Guinea Xích đạo để trả tiền cho những quan chức chính phủ và quân đội đã cam kết sẽ mở đường cho cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Obiang.


Tuy nhiên, vụ đảo chính không đơn giản như kế hoạch.



Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Kế hoạch chết yểu