09:00 26/09/2013

Vụ đảo chính bất thành - Kỳ 1: Động cơ

Một đất nước nằm nép ở Tây Phi, khí hậu ẩm ướt, diện tích nhỏ bé, dân số kém phát triển, dịch bệnh tràn lan. Một vị tổng thống độc tài, tham nhũng, xa hoa. Tưởng như Guinea Xích đạo chẳng có gì để các thế lực bên ngoài nhòm ngó.

Một đất nước nằm nép ở Tây Phi, khí hậu ẩm ướt, diện tích nhỏ bé, dân số kém phát triển, dịch bệnh tràn lan. Một vị tổng thống độc tài, tham nhũng, xa hoa. Tưởng như Guinea Xích đạo chẳng có gì để các thế lực bên ngoài nhòm ngó. Thế nhưng sâu trong lòng biển, Guinea Xích đạo có một nguồn dầu mỏ dồi dào khiến người ngoài thèm muốn. Một âm mưu đảo chính được hình thành và thất bại chóng vánh, nhưng khiến cả thế giới phải chú ý bởi nó dính dáng đến những tên tuổi lớn ở phương Tây.

 

Một chiều chủ nhật tháng 3/2004, chiếc Boeing 727 hạ cánh xuống sân bay thủ đô Harare của Zimbabwe. Cơ trưởng Neil Steyl điều khiển chiếc máy bay vào khu vực dành riêng cho máy bay quân sự. Đón chiếc máy bay là Simon Mann, một công dân Anh sống ở thành phố Cape Town, Nam Phi. Simon Mann đã ở đó để chờ chất hàng đặc biệt lên chiếc Boeing 727.


Theo kế hoạch, sau khi xếp hàng lên, chiếc máy bay sẽ tiếp liệu và tiếp tục hành trình tới một nơi bí mật. Tuy nhiên, nó không bao giờ rời khỏi Harare. Chính quyền Zimbabwe đã đột kích máy bay, bắt giữ cơ trưởng và phi công phụ cùng 64 người đàn ông ngồi trong khoang hành khách. Simon Mann cũng bị bắt.


Họ bị cáo buộc tìm cách mua vũ khí từ công ty công nghiệp quốc phòng Zimbabwe. Số vũ khí họ đặt mua gồm 20 khẩu súng máy, 61 súng trường tấn công, 150 quả lựu đạn cầm tay, 10 bệ phóng tên lửa và 75.000 băng đạn.


 

Simon Mann.

 

Mann lắp bắp giải thích rằng chiếc máy bay do mình thuê đang trên đường tới Cộng hòa Dân chủ Congo - nơi họ được thuê làm bảo vệ mỏ kim cương. Tất nhiên là chính quyền Zimbabwe không tin. Họ cho rằng 64 người ngồi trong khoang là lính đánh thuê đang tới đất nước Guinea Xích đạo nhỏ bé để thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ tổng thống nước này.


Hai ngày sau, thêm 15 người dính dáng tới Mann bị bắt ở Guinea Xích đạo với cáo buộc là nhóm tiền trạm của cuộc đảo chính. Âm mưu đảo chính thất bại thảm hại đến mức nó bị coi như một vở hài kịch. Báo chí Anh gọi âm mưu là một “bí mật mở” vì nó được thảo luận công khai tại một hội nghị về năng lượng ở London một tháng trước đó. Greg Wales, một cộng sự làm ăn của Mann, cho rằng Mann ngu xuẩn một cách khó tin khi đưa cả đống người sang Zimbabwe và lấy vũ khí cùng thời điểm.


 

Mark Thatcher.

 

Kế hoạch ngây thơ và khinh suất này lại dính dáng đến những “ông lớn” có máu mặt trong ngành thương mại và trên chính trường của cả Mỹ và Anh. Cái tên nổi tiếng nhất trong vụ đảo chính bất thành là Sir Mark Thatcher, con trai cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người đối mặt với nhiều cáo buộc nghiêm trọng ở Nam Phi vì bơm tiền cho âm mưu đảo chính.


Vụ đảo chính thất bại cũng khiến dư luận để mắt tới một số tập đoàn lớn của Mỹ như tập đoàn dầu khí ExxonMobil hay ngân hàng Riggs. Họ có hợp đồng kinh doanh trị giá hàng tỷ USD với Guinea Xích đạo và tổng thống nước này.


Tại sao những tập đoàn lớn của Mỹ lại hành động mạo hiểm với danh tiếng của mình để hợp tác tài chính với một tổng thống bị coi là tham nhũng, độc tài ở một quốc gia châu Phi bụi bặm vô danh? Tại sao người ta lại thuê lính lật đổ người đứng đầu của một đất nước kém phát triển như Guinea Xích đạo? Câu trả lời rất ngắn gọn, chỉ gói trong một hai chữ: dầu mỏ.


 

Guinea Xích đạo như một dấu chấm nhỏ trên bản đồ châu Phi.

 

Đất nước nhiều dầu mỏ Guinea Xích đạo nằm ép giữa Cameroon và Gabon ở bờ biển phía tây châu Phi, chỉ có khoảng 525.000 dân sống trên lãnh thổ gồm một khu vực lục địa nhỏ bé và năm hòn đảo.


Giành độc lập năm 1968 sau 200 năm sống dưới ách cai trị của người Tây Ban Nha, về mặt lý thuyết, Guinea Xích đạo là một nước dân chủ, nhưng thực tế, đất nước này nằm dưới quyền cai trị của chế độ độc tài tham nhũng. Suốt 45 năm lịch sử, Guinea Xích đạo chỉ có hai tổng thống.


Đất nước này chỉ được thế giới chú ý tới khi người ta phát hiện ra một mỏ dầu nhỏ ở Vịnh Guinea. Năm 1955, tập đoàn ExxonMobil “trúng quả” khi phát hiện ra một mỏ dầu mới khổng lồ ngoài đảo Bioko. Các mỏ dầu ở Vịnh Guinea do nhiều nước sở hữu có trữ lượng hơn một tỷ thùng, chiếm khoảng 10% trữ lượng toàn thế giới.


Guinea Xích đạo cung cấp khoảng 360.000 thùng dầu/ngày năm 2004 - thời điểm diễn ra cuộc đảo chính bất thành kể trên. Dầu mỏ chiếm 90% giá trị hàng xuất khẩu của nước này. Sau đó, người ta còn phát hiện ra Guinea Xích đạo có một mỏ khí đốt tự nhiên rộng lớn.


Nhờ nhiều dầu và khí đốt, Guinea Xích đạo đã trở thành nước nhận được đầu tư trực tiếp từ Mỹ nhiều thứ ba ở khu vực cận Sahara, sau hai nước lớn là Nam Phi và Nigeria. Hầu hết các tập đoàn dầu lớn nhất thế giới đều làm ăn với Guinea Xích đạo. Đầu tư nước ngoài đã đẩy mức thu nhập bình quân đầu người của nước này từ 370 USD năm 1995 lên gần 26.000 USD năm 2012. Tuy vậy, 70% dân số bị thiếu ăn và phần lớn có thu nhập chỉ vừa đủ sống. Vậy số tiền kếch xù từ dầu mỏ chảy vào túi ai?


Thùy Dương

Đón đọc kỳ tới: Mục tiêu đảo chính