07:07 30/07/2013

Vụ cướp tàu hỏa táo tợn nhất nước Anh- Kỳ 1

Không ai biết chính xác kẻ nào đã nảy ra âm mưu cướp đoàn tàu chở bưu kiện từ Glasgow tới Luân Đôn, Anh. Người ta chỉ biết một điều chắc chắn đây là một trong những vụ cướp táo tợn nhất lịch sử nước này.

Không ai biết chính xác kẻ nào đã nảy ra âm mưu cướp đoàn tàu chở bưu kiện từ Glasgow tới Luân Đôn, Anh. Người ta chỉ biết một điều chắc chắn đây là một trong những vụ cướp táo tợn nhất lịch sử nước này. Điều đặc biệt trong vụ cướp là 15 tên cướp đã tay không ẵm trọn 2 triệu bảng Anh, tương đương 41 triệu bảng ngày nay.

 

Kỳ 1: Kế hoạch hoàn hảo

 

Thủ lĩnh băng cướp - Bruce Reynolds.

Vụ cướp tàu táo tợn xảy ra năm 1963 khiến dư luận bàng hoàng vì khó có thể ngờ một băng nhóm tội phạm nhỏ ở Luân Đôn lại có thể liều lĩnh như vậy. Cuốn “The Robbers Tale” năm 1965 của tác giả Peta Fordhams cho rằng, một tên trùm thế giới ngầm Luân Đôn chính là người vạch ra âm mưu này nhưng về sau băng nhóm của hắn đã không dám thực hiện vì quá mạo hiểm.


Năm 1962, khi đang ở tù, một thành viên của băng nhóm nói trên tình cờ kể về kế hoạch này cho bạn tù Bruce Richard Reynolds, một tay buôn đồ cổ và là một tên trộm khét tiếng ở Luân Đôn. Reynolds cho rằng ý tưởng này “hay ho” và đã dành những tháng cuối cùng trong tù để vạch kế hoạch.


Sau khi được thả, Reynolds bàn kế hoạch với nhóm South West của mình. Hắn chọn cấp phó là Douglas Gordon Goody, một thợ cắt tóc kiêm tội phạm “bán thời gian” nổi tiếng vì độ liều lĩnh và chịu áp lực giỏi.


Các thành viên băng South West dù trung thành và lão luyện nhưng số lượng thành viên quá ít để thực hiện một vụ cướp quy mô. Reynolds đã đồng ý hợp tác với băng South East do Ronald Buster Edwards cầm đầu. Khi lực lượng đã đủ, Reynolds bắt đầu rình thời cơ.


Đoàn tàu hỏa mà Reynolds định cướp là tàu chở bưu kiện chạy từ Glasgow đến Luân Đôn, gồm 12 toa, có một đầu máy động cơ diesel. Ngoài bưu kiện thông thường, nó còn “cõng” một lượng lớn tiền từ các thể chế tài chính và ngân hàng ở Xcốtlen tới Luân Đôn. Tiền và những bưu kiện có giá trị được phân loại và chất vào hai toa ngay sau đầu tàu.


 

Đoàn tàu chở bưu kiện - mục tiêu của băng cướp.

 

Nhờ những mối quan hệ trong thế giới ngầm, Reynolds dễ dàng nắm được lịch trình, địa điểm cất tiền và số nhân viên trên tàu. Reynolds biết chắc lượng tiền trên tàu thường sẽ nhiều hơn sau ngày nghỉ lễ của ngân hàng. Một trong số những ngày nghỉ lễ đó rơi vào ngày 5/8/1963, thời điểm hoàn hảo cho kế hoạch của hắn. Điều duy nhất mà Reynolds không biết chắc là tiền sẽ được chuyển tới Luân Đôn vào ngày nào. Nhưng nhờ một “tay trong”, hắn đã biết được ngày chuyển tiền và lên kế hoạch cho vụ cướp vào ngày 6/8/1963.


Tuy nhiên, còn một vài chi tiết quan trọng cần phải giải quyết. Theo kế hoạch ban đầu, băng cướp phải lên tàu, cắt rời đầu máy và hai toa đầu tiên rồi đưa chúng đến một địa điểm đã định sẵn để chuyển tiền lên các xe tải chờ ở đó. Vấn đề là cần tìm một người biết lái tàu và phải tìm cách dừng đoàn tàu mà không gây quá nhiều nghi ngờ.


Ronald Biggs.

Reynolds có quen một tên trộm vặt tên là Ronald Arthur Ronnie Biggs. Do thiếu tiền nên Biggs đã tìm đến Reynolds hỏi vay. Reynolds gợi ý hắn tham gia vụ cướp tàu và hứa sẽ chia cho hắn 40.000 bảng nếu tìm được một người biết lái tàu. Tình cờ, Biggs lại quen một người từng là nhân viên lái tàu tên là Peter. Cả hai đều mờ mắt trước số tiền chia phần và nhanh chóng đồng ý.


Vấn đề thứ hai đã được giải quyết trong một cuộc họp của nhóm. Roger John Cordrey, một thợ máy lành nghề và hiểu biết về tàu hỏa, đã đề xuất một ý tưởng đơn giản là sẽ chỉnh sửa tín hiệu buộc đoàn tàu phải dừng lại theo yêu cầu. Sau khi đánh giá toàn bộ lộ trình của đoàn tàu, cả nhóm quyết định rằng địa điểm tốt nhất để chỉnh tín hiệu sẽ là khu vực Leighton Buzzard ở Bedfordshire. Theo lịch trình, đoàn tàu sẽ tới Leighton Buzzard lúc 3 giờ 30 sáng - thời điểm lý tưởng vì băng cướp sẽ có đủ thời gian để chặn tàu, mang tiền xuống và tẩu thoát vào bóng đêm.


Ngay bên ngoài thị trấn Leighton Buzzard là bảng tín hiệu. Tùy thuộc vào giao thông đường sắt và tình trạng đường ray, bảng này có thể bật hoặc là tín hiệu xanh báo hiệu đường thông thoáng để đi, hoặc là tín hiệu vàng báo hiệu chuẩn bị dừng. Bảng tín hiệu tiếp theo được gọi là tín hiệu nhà (home signal), cách khu vực Sears Crossing khoảng 1 km.


Cordrey đã bày ra cho cả nhóm xem một loạt thiết bị để chỉnh tín hiệu, gồm vài bộ ắc quy, một đoạn dây kim loại, găng tay da và vài miếng giấy đen. Găng tay và giấy đen sẽ được dùng để che đèn tín hiệu thật, còn ắc quy sẽ được dùng để chiếu sáng tín hiệu vàng ở Leighton Buzzard và tín hiệu đỏ ở Sears Crossing.


Băng cướp cũng cần một nơi an toàn tách biệt nhưng lại gần đường ray để tập kết phương tiện và người trước vụ cướp, quay trở về cùng chiến lợi phẩm rồi từ đó tỏa đi các hướng mà không bị phát hiện. Lúc đầu, Reynolds định chuyển tiền tới nhà một người bạn ở Oxfordshire và chia tiền sau. Nhưng đề xuất này bị phản đối mạnh mẽ vì đối với những kẻ tội phạm, chúng có thể giao tính mạng và tự do cho người khác chứ không thể giao tiền. Khi thời gian không còn nhiều, Reynolds đành gợi ý nông trại Leatherslade gần đó. Sau khi xem xét nhanh chóng, cả bọn nhất trí chọn địa điểm này.
Nông trại Leatherslade nằm ở trung tâm một cộng đồng nhỏ làm nghề nông, chỉ cách nơi định cướp tàu 43 km. Nó gồm một ngôi nhà 2 tầng xiêu vẹo và vài khu nhà phụ nhỏ bên ngoài, đủ chỗ cho cả băng cướp. Reynolds định tiếp cận chủ nông trại qua trung gian để mua lại khu này. Để trì hoãn vụ mua bán, Reynolds sẽ đề nghị chủ nhà cho một nhóm thợ ở lại nông trại vài ngày để chuẩn bị sửa sang. Mọi việc trôi chảy theo đúng ý định Reynolds. Tất cả chỉ còn chờ thời điểm.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Hành động chớp nhoáng