11:00 12/11/2013

Vụ cướp ngân hàng thế kỷ - Kỳ 2: Ngõ cụt điều tra

Kể từ khi treo thưởng, cảnh sát nhận được đủ loại thông tin. Một người dân ở bang California thì cho rằng số tiền bị cướp có thể được giấu ở khu vực Đại Tây Dương gần Boston. FBI trước đó đã điều tra kỹ lưỡng khu bến tàu Boston.

Kể từ khi treo thưởng, cảnh sát nhận được đủ loại thông tin. Một người dân ở bang California thì cho rằng số tiền bị cướp có thể được giấu ở khu vực Đại Tây Dương gần Boston. FBI trước đó đã điều tra kỹ lưỡng khu bến tàu Boston.

Nhân viên ngân hàng Brink.


Một số người từng ngồi tù báo với cảnh sát về những cuộc nói chuyện họ nghe thấy trong tù về kế hoạch cướp ngân hàng Brink. Cảnh sát cất công kiểm tra từng thông tin nhưng không có kết quả khả quan.


Có người còn báo cảnh sát rằng họ nghi một người ở Bayonne, bang New Jersey có thể là thủ phạm vụ cướp. Nguyên nhân là người này đang từ kiếp sống nghèo khổ bỗng nhiên tiêu rất nhiều tiền ở câu lạc bộ đêm, mua ô tô mới... Cảnh sát đã điều tra kỹ lưỡng xem anh ta ở đâu vào chiều ngày 17/1/1950 nhưng hóa ra người này không dính líu đến vụ cướp.


Tin đồn từ thế giới ngầm hướng nghi ngờ đến một vài băng nhóm tội phạm như băng Purple. Nhưng một lần nữa, điều tra của FBI chỉ đơn giản là loại bớt nghi can.

Báo chí viết về vụ cướp.


Trong số các tin báo, rất nhiều tin đến từ những người nặc danh. Đêm 17/1/1952, đúng hai năm sau vụ cướp, văn phòng ở Boston của FBI nhận được một cú điện thoại nặc danh từ một người tuyên bố rằng anh ta sẽ gửi một bức thư xác định danh tính bọn cướp ngân hàng Brink. Thông tin trong đó chỉ điểm chín tên lưu manh khét tiếng trong giới tội phạm. Sau khi kiểm tra sàng lọc, FBI đã loại trừ tám tên. Còn tên thứ chín từ lâu vốn là nghi can chính trong tầm ngắm của họ.


Trong số hàng trăm tên lưu manh ở New England được các đặc vụ FBI liên hệ trong những tuần ngay sau vụ cướp, hầu như không có mấy tên sẵn sàng để cảnh sát thẩm vấn. Thông thường, bọn chúng đều đang chịu án tù và huênh hoang rằng chúng có thông tin nóng để mặc cả với cảnh sát: “Các ngài thả tôi ra và tôi sẽ giải quyết vụ này trong chốc lát”. Một tên cướp ở Massachusetts thì nói: “Nếu tôi biết ai gây ra vụ cướp thì tôi đã không ngồi đây mà nói chuyện với ông rồi. Vì tôi đang bận tìm cách kiếm chác ít chiến lợi phẩm”.


Với quyết tâm không bỏ sót khả năng nào, FBI đã liên lạc với các khu nghỉ dưỡng khắp nước Mỹ để tìm thông tin về những khách hàng đột nhiên có một số tiền lớn bất thường sau vụ cướp. Cảnh sát cũng tìm đến các công ty cá cược đua ngựa hay đánh bạc với hi vọng phát hiện ra tiền trong vụ cướp chảy vào đây. Giai đoạn điều tra này khiến nhiều người kinh doanh sòng bạc bị ảnh hưởng nặng nề. Có người ngừng hoạt động, có người chỉ mong sớm tìm ra bọn cướp để được yên ổn kinh doanh.

Túi đựng mảnh vụn chiếc xe tải Ford tại bãi rác.


Khối lượng thông tin khổng lồ thu thập trong những tuần điều tra đầu tiên sau vụ cướp liên tục được sàng lọc. Mọi nỗ lực tìm ra băng cướp qua chiếc mũ tài xế, sợi dây thừng và cuộn băng dính bị bỏ lại hiện trường đều không thành công.


Tuy nhiên, đến ngày 5/2/1950, một tia hi vọng lóe lên. Một cảnh sát ở thành phố Somerville, bang Massachusetts tìm thấy một trong bốn khẩu súng lục tại ngân hàng bị bọn cướp mang đi. Điều tra cho thấy, khẩu súng này cùng với một khẩu súng gỉ sét khác được mấy cậu bé phát hiện gần bờ sông Mystic ngày 4/2/1950 trong lúc nghịch cát. Tuy nhiên, khi lùng sục bờ sông Mystic để tìm thêm vũ khí, cảnh sát lại chẳng thấy gì.


Qua phỏng vấn những người ở gần văn phòng ngân hàng Brink vào chiều tối ngày 17/1/1950, FBI được biết một chiếc xe tải Ford màu xanh lá cây phủ tấm vải bạt đã đỗ gần cửa ngân hàng trên phố Prince vào khoảng thời gian xảy ra vụ cướp. Chiếc xe này vừa vặn cho băng cướp và số chiến lợi phẩm nên nhiều khả năng nó có thể đã được bọn chúng dùng. Đầu mối này được cảnh sát điều tra cặn kẽ.


Ngày 4/3/1950, mảnh vụn một chiếc xe tải tương tự đã được tìm thấy tại bãi rác ở Stoughton, bang Massachusetts. Điều tra cho thấy chiếc xe tải đã bị phóng hỏa bằng đuốc tẩm acetylene và nó rõ ràng đã bị ai đó dùng búa tạ đập nát các bộ phận nặng như động cơ. Các mảnh vụn chiếc xe được gói trong bao khi được tìm thấy. Nhìn hiện trường, cảnh sát đoán rằng có người đã tìm cách chôn các bao này.


Chiếc xe tải bị đập vụn ở bãi rác nói trên chính là chiếc xe bị ăn cắp từ một cửa hàng bán xe Ford gần công viên Fenway ở Boston. Chủ cửa hàng báo mất xe ngày 3/11/1949. Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhằm xác định thủ phạm vụ trộm xe và người phá chiếc xe đều không thành công.


Những bao tải đựng mảnh vụn chiếc xe được xác định là bao đựng xương bò chuyển từ Nam Mỹ tới một công ty sản xuất gelatin ở Massachusetts. FBI lại dồn mọi công sức điều tra xem công ty nói trên vứt bỏ những túi này như thế nào. Giai đoạn điều tra này dù tốn công sức nhưng cũng chẳng đem lại kết quả gì.


Tuy vậy, phát hiện ra mảnh vụn chiếc xe tải ở Stoughton được coi là một đột phá giá trị trong cuộc điều tra.

 

Thùy Dương


Đón đọc kỳ tới: Chứng cớ ngoại phạm lúc 19 giờ