03:17 06/03/2012

Vụ cháy rừng Hoàng Liên: Nỗ lực dập lửa, không cho lan vào rừng già

Đến 10 giờ trưa nay (6/3), lực lượng chữa cháy trên rừng Hoàng Liên vẫn đang nỗ lực tiến công dập các đám cháy phía tây không cho lan vào rừng già.

Đến 10 giờ trưa nay (6/3), lực lượng chữa cháy trên rừng Hoàng Liên vẫn đang nỗ lực tiến công dập các đám cháy phía tây không cho lan vào rừng già.

Liên quan đến vụ cháy rừng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, sau 3 ngày đêm nỗ lực dập lửa, đến sáng 6/3, các lực lượng chữa cháy đã khoanh vùng và dập tắt toàn bộ đám cháy về hướng nam thuộc ở đỉnh Na Hang, thôn Séo Mý Tỷ. Tuy nhiên, theo ông Vàng Văn Khìn, Chủ tịch HĐND xã Tả Van, người tham gia dẫn đầu mũi dập lửa hướng nam cho biết, khoảng 5h sáng 6/2 về hướng tây tính từ Séo Mý Tỷ lên, người ta lại phát hiện một điểm cháy mới đang lan nhanh. Ngay lập tức, lực lượng chữa cháy đã được huy động chuyển hướng tiếp tục khoanh vùng bao vây dập lửa, chống cháy lan. Đến 14 giờ hôm nay, đám cháy này đã được dập tắt hoàn toàn. Tiện tích rừng bị cháy ước tính khoảng 10 ha.

Lửa cháy tại một khu rừng trong Vườn quốc gia Hoàng Liên sáng 6/3. Ảnh: Lục Văn Toán - TTXVN


Đến 10 giờ trưa nay, lực lượng chữa cháy trên rừng Hoàng Liên vẫn đang nỗ lực tiến công dập các đám cháy phía tây không cho lan vào rừng già. Các ông Doãn Văn Hưởng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Hầu A Lềnh, Bí thư huyện Sa Pa và một số các đồng chí lãnh đạo sở ban ngành tỉnh và huyện Sa Pa vẫn có mặt trên độ cao 1.900m trực tiếp chỉ huy lực lượng PCCC.

Theo tin ban đầu, diện tích cháy có thể lên đến vài trăm ha, chủ yếu là diện tích rừng tái sinh. Điểm cháy cũng chưa lan rộng và phức tạp kéo dài như đợt cháy tháng 2/2010 (tháng 2/2010 có đến 5 điểm cháy phân tán trên địa bàn rộng gần 40 km2 làm cho lực lượng ứng cứu cơ động gặp nhiều khó khăn).

Trước đó, chiều 5/3, sau khi họp thống nhất, Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR và PCCC) của tỉnh Lào Cai đã quyết định huy động thêm lực lượng có kinh nghiệm PCCC rừng, chủ yếu là thanh niên dân quân người địa của các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn... phối hợp với lực lượng tại chỗ và các đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn áp dụng các biện pháp hiện đại và dân gian để chữa cháy.

Đến thời điểm này, lực lượng huy động vẫn duy trì đảm bảo quân số từ 800 đến 1000 người (kể cả lực lượng hậu cần) dùng tất cả các phương tiện sẵn có như dao phát, cuốc, gậy, thân chuôi dập nát.. để dập lửa. Sau khi ngọn lửa được dập tắt, lập tức, có người dùng cuốc cào các lớp than mùn còn âm ỉ cháy đổ nước dập lửa đề phòng sự bùng phát trở lại. Đây cũng là bài học kinh nghiệm rút ra từ đợt cứu rừng bị cháy hồi tháng 2 năm 2010. Do vậy đợt này dập lửa đến đâu chắc đến đó, không có sự tái bùng phát cháy.

Theo những người từng tham gia chữa cháy các năm trước, nếu trong ngày hôm nay không còn bùng phát thêm điểm cháy mới thì có thể công tác chữa cháy sẽ cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến vụ cháy còn tùy thuộc vào các nguyên nhân khách quan.


Lục Văn Toán