04:21 12/04/2019

Vụ bé trai 2 tháng tuổi tử vong bất thường: Làm rõ trách nhiệm của các cơ sở y tế

Ngày 12/4, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan này đang làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc bé 2 tháng tuổi tử vong sau khi được tiêm chủng vắc xin.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Bình Dương. Ảnh: dantri.com.vn

Theo Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Thanh Hà, Sở đã thành lập đoàn điều tra để làm rõ vụ việc một bé 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm chủng vắc xin ở Trạm Y tế phường An Phú, thị xã Thuận An, sau đó sẽ đưa ra kết quả kết luận chính xác nhất cho vụ việc tránh gây hoang mang dư luận.

Trước đó, theo trình bày của gia đình, sáng 10/4, anh Lê Hữu Thế (37 tuổi, tạm trú tại phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) đưa con là cháu Lê Hữu Việt Hoàng (2 tháng tuổi) đến Trạm Y tế phường An Phú tiêm chủng vắc xin 5 trong 1. Đến chiều cùng ngày, cháu bị sốt, gia đình đã đưa đến Phòng Khám nhi thành phố khám bệnh.

Tại đây, một nữ bác sĩ khám và chẩn đoán cháu bị "sốt sau chủng ngừa" và cấp thuốc hapacol 80mg/g (uống khi sốt > 38 độ C), thuốc Efticol 0.9% (nhỏ mắt - mũi). Đến sáng 11/4, cháu vẫn sốt cao, anh Thế đưa cháu trở lại Phòng Khám nhi thành phố để khám thì các bác sĩ tại đây phát hiện bé tím tái nên yêu cầu người nhà đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu. Bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương nhưng không qua khỏi. 

Anh Lê Hữu Thế cho rằng khi đưa cháu Hoàng vào Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương cấp cứu, cháu vẫn khóc rất nhiều. “Khi vào phòng cấp cứu các bác sĩ hút đờm cho cháu, một lúc sau thì không thấy con khóc nữa rồi tử vong. Việc đã xảy ra rồi chúng tôi cũng không đòi hỏi gì mà chỉ muốn làm rõ sự thật”.

Ngày 12/4, bà Huỳnh Thị Kim Chi, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương phủ nhận việc bé Lê Hữu Việt Hoàng chết sau khi cấp cứu tại bệnh viện. Theo bà Chi khoảng 8 giờ 20 phút ngày 11/4, bệnh viện nhận bé 2 tháng tuổi do gia đình đưa đến trong tình trạng tím tái, chân tay lạnh, không tự thở, không bắt được mạch, không nghe thấy nhịp tim, không phản xạ thần kinh, đồng tử 2 bên giãn 4 mm. Bệnh viện đã tiến hành cấp cứu nhưng khoảng 40 phút sau thì không có kết quả nên ngưng cấp cứu.

“Việc bé không có dấu hiệu sống nhưng bác sĩ vẫn cấp cứu là do đặc thù công tác cấp cứu, tranh thủ thời gian với hy vọng lấy lại sự sống cho bệnh nhân. Còn việc không cấp giấy báo tử là do phía gia đình không yêu cầu, mà vội vã đưa con về” bà Chi nói.

Sự việc đang chờ kết luận của cơ quan chức năng dựa trên nhiều phương diện để đưa ra ý kiến khách quan và chính xác nhất.

Huyền Trang (TTXVN)