12:18 08/12/2018

Vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei đe dọa thỏa thuận 'đình chiến' thương mại Mỹ-Trung

Cùng ngày hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung nhất trí một thỏa thuận "đình chiến" thương mại tại Argentina, cách đó hơn 11.000 km, giới chức Canada đã thực hiện một lệnh bắt giữ đe dọa mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung tồi tệ hơn.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Báo Globe and Mail ngày 5/12 đưa tin bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính (CFO) Huawei đồng thời là con gái của nhà sáng lập Huawei ông Nhiệm Chính Phi - bị bắt theo yêu cầu của cơ quan chức năng Mỹ vì tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran.

Nhận được tin bà Mạnh bị bắt, phía Trung Quốc ngay lập tức phản ứng giận dữ, yêu cầu cả 2 quốc gia trả tự do cho bà Mạnh, đồng thời cáo buộc đó là hành động vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên sau đó, Bộ Ngoại giao nước này cho biết sẽ chờ chi tiết báo cáo lí do bà Mạnh bị bắt và khẳng định các cuộc đàm phán thương mại vẫn sẽ tiếp tục.

Huawei, một trong những tập đoàn cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới, đang bị giám sát chặt chẽ tại Mỹ do các quan chức an ninh nước này cáo buộc họ có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc và có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc bắt giữ một nhân vật doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ-Trung tìm kiếm thỏa thuận thương mại là một động thái bất thường của Washington.

"Thời điểm và cách thức của vụ việc này gây sốc", Andrew Gilholm - Giám đốc Tổ chức Đánh giá và Kiểm soát Nguy cơ Bắc Á - nhận định.

Hiện vẫn chưa rõ vai trò của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc bắt giữ bà Mạnh. Nhà lãnh đạo Mỹ trong những ngày qua luôn muốn trấn an thế giới và các nhà đầu tư rằng Trung Quốc đã nhất trí những thỏa thuận nhượng bộ quan trọng, trong đó bao gồm việc cắt giảm hoặc loại bỏ hẳn thuế đối với ô tô Mỹ.

Giới phân tích cho rằng cho biết nhiều khả năng vụ việc được tiến hành riêng biệt trong lúc các cuộc đàm phán thương mại diễn ra như một phần trong nỗ lực của Trump nhằm đẩy mạnh các cuộc khởi tố các công ty Trung Quốc tiến hành gián điệp kinh tế và vi phạm các biện pháp trừng phạt.

Hồi tháng 10, Mỹ cho biết Bỉ đã dẫn độ một quan chức tình báo Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp bí mật công nghệ của các công ty Mỹ.

Với diễn biến hiện tại, Trung Quốc gần như chắc chắn xem động thái bắt giữ bà Mạnh như một sự leo thang lớn trong cuộc chiến thương mại. Điều đó làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh lớn hơn giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Vụ bắt giữ chắc chắn sẽ làm phức tạp nỗ lực đàm phán và Mỹ tin rằng vụ bắt giữ sẽ tăng sức ép trong giai đoạn 90 ngày này", Dennis Wilder, cựu nhân viên phân tích tình báo Mỹ về Trung Quốc đồng thời từng giữ chức Giám đốc cấp cao của châu Á tại Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush cho biết. "Đây là tín hiệu cho thấy sẽ xuất hiện một cuộc chơi mới. Mỹ đang tìm cách ngăn chặn gián điệp Trung Quốc và cảnh báo mang đến những hậu quả thực sự."

Và quả thực Huawei là "quân bài" tốt nhất trong thời điểm này khi Mỹ muốn "dằn mặt" Trung Quốc. Tính về số lượng sản xuất điện thoại thông minh, Huawei đã vượt qua "ông trùm" Apple và tính nhằm vượt soán ngôi Samsung. Huawei cũng tham vọng tiến lên vị trí dẫn đầu trong viếc sản xuất mạng không dây thế hệ thứ năm và chuẩn bị trở thành một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức