09:11 27/09/2014

Vụ bắt cóc thành viên Hoàng gia Anh - Kỳ cuối: Động cơ

Sau nỗ lực bắt cóc không thành và quyết định bỏ chạy, Ball vẫn sa lưới pháp luật. Khi đó, sĩ quan cảnh sát Peter Edmonds đã nghe được cuộc gọi báo về vụ tấn công và lập tức tiếp cận hiện trường bằng xe riêng.

Sau nỗ lực bắt cóc không thành và quyết định bỏ chạy, Ball vẫn sa lưới pháp luật. Khi đó, sĩ quan cảnh sát Peter Edmonds đã nghe được cuộc gọi báo về vụ tấn công và lập tức tiếp cận hiện trường bằng xe riêng.

 

Gần đến địa điểm xảy ra vụ bắt cóc, Edmonds phát hiện một người đàn ông tay cầm súng đang vội vã chạy qua Công viên St.James. Ngay lập tức, Edmonds đuổi theo khống chế và bắt giữ hắn.

 

Hung khí của Ian Ball bị cảnh sát thu giữ.


Ngày hôm sau, các tờ báo Mỹ đua nhau giật những cái tít giật gân về sự kiện bắt cóc tối hôm trước là: “Công chúa Anne thoát khỏi ám sát”, “Tay súng đơn độc trong kế hoạch bắt cóc hoàng gia”, “An ninh tăng cường quanh Thái tử Charles”, “Nhân chứng miêu tả hoảng loạn tại Mall”, “Nữ hoàng kinh sợ vì vụ tấn công vào công chúa”.


Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là Roy Jenkins đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra để báo cáo lên Thủ tướng Anh đồng thời công bố với báo giới rằng cuộc điều tra được “giữ bí mật”, trong khi cả cảnh sát London và Điện Buckingham đều từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về vụ việc.


Vào tháng 1/2005, thông tin liên quan đến cuộc điều tra của Sở cảnh sát London về vụ bắt cóc được Trung tâm lưu trữ quốc gia Anh công bố theo “quy tắc 30 năm”, đó là “tiết lộ” giấy tờ của nội các sau 30 năm kể từ khi được hoàn thành.

 

Công chúa Anne đến thăm nhà báo John Brian McConnell tại bệnh viện.


Theo đó, cảnh sát điều tra được rằng từ đầu tháng 3/1974, Ball đã thuê một căn hộ ở cuối đường Hampshire, cách học viện quân sự Sandhurst 8 km, nơi cũng chính là nhà của Công chúa Anne và chồng.


Theo cảnh sát, Ian Ball, 26 tuổi, mắc chứng bệnh thần kinh. Hắn đã thuê một chiếc xe ô tô dưới cái tên John Williams, trong chiếc xe này cảnh sát đã tìm thấy còng tay, thuốc an thần Valium và một lá thư đòi tiền chuộc dự định được gửi tới Nữ hoàng.


Trong bức thư đòi tiền chuộc dài lan man, Ball chỉ trích Hoàng gia Anh và yêu cầu khoản tiền chuộc 2 triệu bảng (tương đương 25 triệu USD ngày nay) bằng đồng 5 bảng. Ball cũng yêu cầu Nữ hoàng để tiền trong 20 vali không khóa và đặt trong một chiếc máy bay được định trước hành trình đến Thụy Sĩ. Ball cũng viết rằng chính Nữ hoàng Anh phải xuất hiện trên máy bay và xác nhận chữ ký trong các giấy tờ.


Ball có chủ đích bắt cóc một thành viên của Hoàng gia Anh và Công chúa Anne trở thành mục tiêu của hắn bởi công chúng dành nhiều sự quan tâm tới công chúa vào thời đểm đó. Vào tháng 11/1973, công chúa Anne, 23 tuổi, đã cưới một thường dân là sĩ quan quân đội Anh Mark Phillips. Cặp đôi đã bén duyên từ Olympic Munich 1972, nơi Mark cùng đồng đội trong môn thể thao cưỡi ngựa đã giành huy chương vàng. Lễ cưới hoàng gia có tới 2.000 khách mời và tờ New York Times của Mỹ thậm chí đăng thông tin cho biết có 500 triệu người theo dõi lễ cưới qua truyền hình.


Sau vụ bắt cóc, giới truyền thông lại nhặt nhạnh, ghép nối lại các chi tiết để giải thích vì sao một người đàn ông tâm thần, thất nghiệp lại có thể tự mình lên kế hoạch thực hiện vụ bắt cóc. Mặc dù Ball không hề biết về quãng đường mà chiếc xe chở công chúa sẽ di chuyển trong tối hôm đó nhưng hoàng gia đã công bố sự xuất hiện của Công chúa Anne tại sự kiện từ thiện, điều này dẫn đến việc Ball có thể theo dõi chiếc xe chở công chúa từ nhà hát diễn ra sự kiện.


Khi Ian Ball ra tòa vào ngày 4/4/1974, luật sư của hắn đã nhấn mạnh đến tiền sử bệnh thần kinh của Ball. Trước tòa, Ball cho biết về động cơ phạm tội của mình: “Tôi làm như vậy bởi tôi muốn thu hút sự chú ý đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất cho việc điều trị bệnh tâm thần”.


Ian Ball bị kết tội chủ ý sát hại và bắt cóc và nhận bản án chung thân. Hắn đã dành phần đời còn lại tại Broadmoor, một bệnh viện tâm thần được canh gác nghiêm ngặt.


Sau sự kiện đầy nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn của thành viên hoàng gia, Bộ trưởng Jenkins cho biết đã yêu cầu tăng cường an ninh hoàng gia nhưng từ chối cho biết chi tiết kế hoạch này. Điện Buckingham đã đưa ra công bố nói rằng gia đình hoàng gia không có dự định sống trong “lồng chống đạn”.
Tháng 9/1974, Nữ hoàng Elizabeth II trao tặng huân chương chữ thập George cho thanh tra Beaton, đây là giải thưởng cao nhất dành cho công dân Anh về lòng dũng cảm. Nữ hoàng cũng trao tặng huy chương George, giải thưởng cao quý thứ hai vinh danh những thường dân có lòng dũng cảm cho Ronald Russell và cảnh sát Constable Hills. Và huân chương Gallantry được trao cho cảnh sát Peter Edmonds, John Brian McConnell và tài xế Alexander Callender. Glenmore Martin nhận được sự tuyên dương của Nữ hoàng vì hành động dũng cảm.


Ronald Russell đã hồi tưởng lại câu nói của Nữ hoàng khi bà trao tặng huy chương George cho ông: “Huy chương này là từ Nữ hoàng Anh, tuy nhiên sự cảm ơn là từ người mẹ của Anne”.


Chưa đầy 10 năm sau vụ bắt cóc, một sự kiện khác xảy ra đã khiến cảnh sát London thêm một lần bị chỉ trích về công tác bảo vệ hoàng gia. Vào tháng 7/1982, một người đàn ông thất nghiệp đã trèo tường và đột nhập vào phòng ngủ của Nữ hoàng Anh. Nữ hoàng đã “trò chuyện” với kẻ đột nhập trong 10 phút trước khi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Năm 1983, Sở cảnh sát London sắp xếp lại đơn vị bảo vệ hoàng gia và James Wallace Beaton được giao một chức vụ cấp cao trong đơn vị này.

 

Hà Linh