09:22 11/09/2011

Vụ 11/9 làm thay đổi Ôxtrâylia như thế nào?

Trả lời phỏng vấn báo “Người Ôxtrâylia cuối tuần” số ra ngày 10/9 nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ôxtrâylia Stephen Smith cho rằng, các vụ tấn công ngày 11/9/2001 đã làm thức tỉnh các cơ quan an ninh và chính phủ phương Tây trước mối đe dọa khủng bố.

Trả lời phỏng vấn báo “Người Ôxtrâylia cuối tuần” số ra ngày 10/9 nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ôxtrâylia Stephen Smith cho rằng, các vụ tấn công ngày 11/9/2001 đã làm thức tỉnh các cơ quan an ninh và chính phủ phương Tây trước mối đe dọa khủng bố. Các vụ tấn công này đã tác động lâu dài lên cách Ôxtrâylia và các quốc gia phương Tây khác tổ chức an ninh quốc gia của họ.

Tại Ôxtrâylia, các cơ quan tình báo và các bộ khác nhau trong chính phủ hiện hợp tác chặt chẽ hơn, và Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc nội các được xác định là cơ quan trung tâm của chính phủ về tất cả các vấn đề an ninh quốc gia. Ngân sách chi cho quốc phòng cũng được tăng cường. Theo các con số chính thức, kể từ năm 2001, tổng chi tiêu quốc phòng của Ôxtrâylia đã tăng 59%, từ mức 14,36 tỷ USD lên 22,85 tỷ USD. Cũng trong khoảng thời gian này, ngân sách của Tổ chức An ninh Tình báo Ôxtrâylia (ASIO) đã tăng 655%, ngân sách dành cho Cảnh sát Liên Bang Ôxtrâylia tăng 161%, ngân sách của Cơ quan Tình báo Tối mật Ôxtrâylia (ASIS) tăng 236% và ngân sách cho Cơ quan Đánh giá Quốc gia tăng 441%.

Không dừng lại ở việc thắt chặt các chính sách quốc phòng an ninh, Ôxtrâylia còn tăng cường hệ thống luật pháp nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Kể từ sau sự kiện 11/9, Quốc hội Liên bang Ôxtrâylia đã thông qua hơn 40 “đạo luật an ninh”. Ôxtrâylia cũng cho phép ASIO - cơ quan tình báo nội địa của nước này - giam giữ người trong 7 ngày mà không cần lệnh của tòa án hoặc xét xử, và cũng không cần đưa ra lý do hợp lý cho sự nghi ngờ rằng những người này thực sự liên quan tới hoạt động khủng bố. Trong 10 năm qua, chính phủ Ôxtrâylia cũng kiểm tra an ninh nghiêm ngặt hơn đối với những người xin tị nạn tại quốc gia này bởi có khả năng những người này có mối liên hệ với các hoạt động khủng bố, đặc biệt bởi vì họ không có những giấy tờ tùy thân chính thức.

Bộ trưởng Quốc phòng Smith tin rằng thập niên vừa qua cũng đã biến liên minh Mỹ - Ôxtrâylia thành mối quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ nhất kể từ Thế chiến II, đồng thời cho rằng sự gia tăng hiện diện của quân đội Mỹ ở Ôxtrâylia sẽ là “thúc đẩy sự phối hợp thực tiễn của liên minh này”. Đại sứ Mỹ tại Ôxtrâylia Jeffrey Bleich cũng đồng tình với quan điểm rằng mối quan hệ quân sự và an ninh giữa hai nước ngày càng được tăng cường kể từ sau các vụ khủng bố 11/9, điển hình là việc Ôxtrâylia tham gia vào hai cuộc chiến do Mỹ đứng đầu tại Ápganixtan và Irắc.

Mặc dù Mỹ và Ôxtrâylia luôn chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong 10 năm qua, song vụ tấn công 11/9 đã khiến hai nước này thay đổi theo hai hướng khác nhau. Paul Kelly, nhà phân tích các vấn đề quan hệ quốc tế, viết trên báo “Người Ôxtrâylia” ngày 10/9: “Điều nực cười là ở chỗ mặc dù có mối quan hệ trên lĩnh vực an ninh với Mỹ, Ôxtrâylia lại không phát triển quan hệ về kinh tế với Mỹ và đã tránh được các cuộc khủng hoảng kinh tế gây ảnh hưởng lớn tại Mỹ và châu Âu. Trong suốt thập kỷ qua, Ôxtrâylia tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ song lại tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Ôxtrâylia đã giành được nhiều lợi ích trên cả hai mặt”.

Kể từ sau sự kiện 11/9, số lượng thường dân Ôxtrâylia bị giết trong những hành động khủng bố lớn hơn số lượng người Mỹ. Theo bình luận của hãng tin AP, đây là một sự nhắc nhở “ớn lạnh” rằng người Ôxtrâylia vẫn là một trong những mục tiêu chính của những kẻ khủng bố.

Tiến sĩ Pete Lentini, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố Toàn cầu, cho rằng hiện trong giới học thuật có xu hướng gắn vấn đề khủng bố với an ninh quốc gia - một trong những mối lo ngại chính của các nước. Trong khi đó, tiến sĩ Rick Kuhn thuộc Đại học Quốc gia Ôxtrâylia (ANU) cho rằng ngành chống khủng bố là một sản phẩm phụ của chính sách đối ngoại. Ông Kuhn nói với ABC rằng hiện nay, các chính sách ngoại giao của Ôxtrâylia hay Mỹ đều đặt trọng tâm vào vấn đề khủng bố. Tuy nhiên, mối đe dọa khủng bố có phần bị thổi phồng. Ông Kuhn nhận xét “ngành công nghiệp” chống khủng bố chưa chú ý đến nguồn gốc của hiểm họa khủng bố cũng như sự xuất hiện của chúng.

Tiến sĩ Kuhn cho biết để thực sự hiểu mối đe dọa này, cần phải “soi lại chính xã hội của chúng ta”, cũng như xem xét lại chính sách đối ngoại mà Ôxtrâylia, Mỹ và một số quốc gia khác đang theo đuổi. Ông nói rằng “chủ nghĩa khủng bố, trong nhiều trường hợp, chính là sự phản ứng lệch lạc trước các chính sách đối ngoại hung hăng hay nỗ lực áp đặt lợi ích của Mỹ hoặc Ôxtrâylia lên một khu vực khác của thế giới”.

Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)