06:11 29/06/2012

VTV giải thích sau vụ sai đề Olympia: 'Chọc tức giới toán học'

“Tôi không hiểu sao BTC chương trình và ban cố vấn lại đưa ra một cách biện luận “chọc tức” giới toán học như vậy” - TS Toán học Lê Thống Nhất bức xúc trước kết luận mà VTV vừa đưa ra.

“Tôi không hiểu sao BTC chương trình và ban cố vấn lại đưa ra một cách biện luận “chọc tức” giới toán học như vậy. Nếu đây là đề thi trong một cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức, người ra đề chắc chắn bị kỷ luật nặng, còn điểm số của câu hỏi này bị coi là vô nghĩa” - TS Toán học Lê Thống Nhất bức xúc trước kết luận mà VTV vừa đưa ra.

Bằng một số phân tích chuyên môn, TS Lê Thống Nhất một lần nữa khẳng định: bài toán “mặt trăng, mặt trời” được đưa ra trong cuộc thi hoàn toàn sai về bản chất. Bởi vậy, vị TS này cực lực phản đối cách xử lý của BTC chương trình về việc giữ nguyên giải nhất của Thái Hoàng kèm theo kết luận: “dù có thiếu chặt chẽ, đáp án “5,666 mặt trời, xấp xỉ bằng 6” là chấp nhận được”.

TS Lê Thống Nhất


TS cho biết:
- Đáp án hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của toán học: chỉ có đúng và sai chứ không có chỗ cho “gần đúng” hay “hơi sai”. Bản thân câu hỏi “cần bao nhiêu mặt trời....” thì tuyệt đối chỉ có thể hiểu một điều: khái niệm “bao nhiêu” phải là một số tự nhiên.

Giống như bạn hỏi tôi nhà có mấy đứa con, tôi không thể trả lời: có 5,666 đứa, coi như là 6 đứa.

Chắc chắn, nếu khảo sát, 100% các giáo viên dạy toán đều đồng ý với tôi về điều này. Theo chuẩn, bài toán vô nghiệm thì không có giá trị, chứ không phải là đúng dù “chưa chặt chẽ”.

Một trong những đặc thù riêng của toán học là sự chuẩn xác tới từng chi tiết. Và nói nôm na thì sự phân định hơn, kém trong giới toán học cũng nằm ở những chi tiết tỉ mỉ như vậy.

* Có nghĩa, cách lập luận của BTC và ban cố vấn là không có giá trị, thưa ông?

- Đúng hơn, đó là sự thiếu sòng phẳng. Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc thi có tác động lớn tới thế hệ trẻ. Vậy, chúng ta phải chuẩn bị thật tốt để các em có thể tin tưởng vào sự công bằng, chính xác của nó.

Việc đã rồi, BTC nếu không muốn thi lại thì hoàn toàn có thể áp dụng nguyên tắc cơ bản của chấm thi: đề bài sai phần nào, toàn bộ thí sinh không được tính số điểm tuyệt đối của phần câu hỏi đó.

Giống như trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua tại Hải Phòng, có một câu hỏi nhỏ bị sai nên toàn bộ thí sinh đều được “hưởng” số điểm 0,25 của câu này.

* Nếu theo cách tính ấy thì Thái Hoàng sẽ xuống thứ nhì, sau thí sinh Ngọc Tĩnh. Và thật sự, Hoàng cũng không có lỗi trước sơ suất của đề thi…

- Đúng, làm như vậy có phần bất nhẫn. Nhưng BTC cũng cần nghĩ tới sự bất công đối với Tĩnh. Đây không phải là cuộc thi cho vui kiểu Chiếc nón kỳ diệu, và chúng ta cần tìm tới sự công bằng, sòng phẳng nếu muốn tôn vinh trí tuệ của các em.

Thật lòng, nếu là phụ huynh của Hoàng, tôi sẽ khuyên em “trả lại” số điểm của câu hỏi này cho BTC. Quyết định ra sao là việc của họ, nhưng Hoàng cũng sẽ giải tỏa được áp lực đang đè lên vai mình. Tôi nói thẳng: vô địch theo cách như vậy là vô giá trị.

* Theo TS ai phải chịu trách nhiệm về sai sót này?

- Trước hết, lỗi thuộc về ban cố vấn toán học. Thực tế, nếu không trực tiếp ra đề đi nữa, họ vẫn phải kiểm tra và chịu trách nhiệm để đảm bảo không xảy ra sai sót.

Khi từng làm cố vấn của chương trình, tôi vẫn phải làm công việc ấy một cách thận trọng, kể cả những lần đi công tác xa. Cần nhớ, thí sinh chỉ có 30 giây để trả lời. Tôi cho rằng đề bài lần này ra thiếu hợp lý, thí sinh chỉ có cách chọn đáp án trả lời theo kiểu cầu may.

Rộng hơn, việc BTC yêu cầu thí sinh nếu có thắc mắc thì phải kiến nghị ngay trong lúc đang thi chứ không chấp nhận kiến nghị “nguội” là không hợp lý. Đây không phải là trận bóng đá, để rồi trọng tài nếu có bắt sai thì kỷ luật trọng tài, còn kết quả vẫn giữ nguyên.


Câu hỏi sai trong phần thi Tăng tốc của trận chung kết Olympia 2012.


Còn theo GS Văn Như Cương: “Nên công nhận hai nhà vô địch”


"Chương trình công nhận một câu hỏi không hợp lý và một đáp án sai là điều không thể chấp nhận được! Kết quả đó không công bằng với các thí sinh. Đây là một cuộc thi, cần phải trung thực, đã sai thì phải sửa. Người làm khoa học không thể chấp nhận một sai lầm đã rõ ràng, nhất là sai lầm trong học thuật, khoa học.

Phương án giải quyết tốt nhất hiện nay là công nhận 2 nhà đồng vô địch là Thái Hoàng và Ngọc Tĩnh, như giải Nobel có thể trao đồng thời cho hai hay nhiều nhà khoa học. Đó là cách tốt nhất để giữ được uy tín của cuộc thi và ý nghĩa của giải thưởng.

VTV có thể làm việc với nhà tài trợ để bổ sung thêm nguồn kinh phí cho một giải nhất nữa. Với nhà tài trợ, việc bổ sung thêm quỹ thưởng này là một hành động sẽ được dư luận đánh giá rất cao.

Nếu không đủ kinh phí thì giải thưởng của nhà vô địch có thể chia đôi, như rất nhiều nhà khoa học chia nhau số tiền thưởng của giải Nobel. Tôi tin Thái Hoàng cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ việc này.

Số tiền giải thưởng 35.000 USD chia đôi ra, nếu không đủ để du học thì gia đình hai nhà vô địch có thể đóng góp thêm. Đó là cách làm tốt nhất, chứ VTV không thể chỉ thừa nhận “sơ suất đáng tiếc” và “nghiêm túc rút kinh nghiệm” như hiện nay".

Theo thethaovanhoa.vn