11:17 07/11/2010

Vớt vát từng hạt thóc sau lũ

Nước lũ đã giảm xuống trong hai ngày qua, thế nhưng mới chỉ đủ giúp hơn 100 ha lúa chín ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận ngóc lên khỏi mặt nước.

Nước lũ đã giảm xuống trong hai ngày qua, thế nhưng mới chỉ đủ giúp hơn 100 ha lúa chín ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận ngóc lên khỏi mặt nước. Để có cái ăn, nhiều hộ nông dân ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam đang khẩn trương cùng nhau xuống ruộng vớt vát từng đóm lúa còn lại sau lũ.

Nông dân ở xã Phước Nam ồ ạt tận thu lúa trước khi áp thấp nhiệt đới lại đến.

Trên các cánh đồng lúa tại xã Phước Nam, lúa nằm sát mặt đất, quay đầu tứ phía đã làm cho người gặt phải vất vả lắm mới đưa lưỡi hái lên cắt được. Những bó lúa được cắt đưa lên khỏi đám ruộng bị ngập nước không còn là hạt lúa vàng nữa mà thay vào đó là màu đen của bùn bám và nhiều hạt đã nảy mầm. Bà Báo Thị Hiệp ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, cho biết: "Gia đình tôi gieo hơn 5 sào lúa, thế nhưng khi đến giai đoạn bắt đầu chín thì gặp lũ. Lúa bị ngập nặng trong hơn 4 ngày trời và hiện nước lũ đã rút nhưng lúa vẫn bị ngập nước. Không thể đợi lũ rút hẳn, gia đình tôi đành phải thu hoạch thôi, chứ nếu không, lúa nảy mầm và hơn nữa trong ngày tới lại có áp thấp, không thu hoạch được thì mất trắng luôn. Tiếc lắm".

Hiện nay, nông dân ở huyện Thuận Nam rất vất vả trong khâu thu hoạch lúa. Tìm được nhân công thu hoạch lúa cũng phải mất hai ba ngày, phương tiện chuyên chở cũng vậy, có khi lúa phải nằm bờ chờ phương tiện tới chuyên chở. Trên ruộng lúa đang thu hoạch ông Kiều Tâm ở xã Phước Nam bức xúc: "Gia đình tôi làm gần 7 sào lúa, tưởng là ăn chắc rồi, thế nhưng lũ lụt xảy ra. Ruộng lúa của gia đình tôi gần như mất trắng. Vụ mùa này, năng suất lúa giảm đáng kể, chất lượng lúa cũng không bằng các vụ trước bởi bị ngập lâu trong nước. Chẳng biết lúc bán, có ai mua không. Nếu so với mùa trước, lúa chín đứng thẳng và không bị ngập nước, chúng tôi chỉ tốn 170.000 đồng/sào thuê máy gặt đập. Trong khi vụ mùa này, để cắt 1 sào lúa bị ngập như thế này, nông dân chúng tôi phải mất từ 350.000 đến 370.000 đồng để trả cho nhân công gặt, đó chưa kể tiền thuê xe chuyên chở, tiền thuê máy tuốt lúa... Trung bình mỗi vụ, chúng tôi phải đầu tư từ 1,7 đến 2 triệu đồng/sào, đó là chưa kể công chăm sóc và các chi phí khác... Vụ này, chúng tôi lỗ nặng rồi”.
Trong vẻ lo lắng của mình, ông Châu Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, cho biết: Trước khi áp thấp nhiệt đới lại đến, tận dụng trong ngày nắng này, chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân khẩn trương tiến hành thu hoạch lúa bao nhiêu hay bấy nhiêu để có cái trang trải cho gia đình trong đợt khó khăn này.

Bài và ảnh: Công Thử