06:08 08/06/2021

Vòng loại World Cup 2022: Cầu thủ nhập tịch và 'con dao hai lưỡi'

Trong khi đội tuyển Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm không sử dụng cầu thủ nhập tịch thì các đối thủ trong khu vực như Philippines và mới nhất là Malaysia lại không như vậy. Chính sự khác biệt đó đã khiến họ đang phải nhận hệ quả không như mong muốn.

Chú thích ảnh
De Paula - cầu thủ nhập tịch (giữa) gây thất vọng ở trận gặp UAE. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Mới nhất và rõ rệt hơn cả chính là câu chuyện của đội tuyển Malaysia. Nếu như Indonesia "thay máu" lực lượng bằng cách trẻ hóa đội ngũ, dùng phần lớn cầu thủ trẻ trong giai đoạn tiếp theo của chiến dịch vòng loại World Cup 2022 thì Malaysia lại ở chiều ngược lại. Trước và sau khi đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Malaysia vẫn tiếp tục chính sách tận dụng nguồn ngoại lực của mình nhưng hiệu quả thì chưa thấy đâu mà làn sóng chỉ trích từ dư luận, người hâm mộ và cả các cựu cầu thủ ngày càng tăng.

Thất bại 0-4 trước UAE hôm 3/6 vừa qua như giọt nước làm tràn ly. Sức ép đến HLV Tan Cheng Hoe và chính bản thân các cầu thủ nước ngoài mới được nhập quốc tịch thi đấu tại vòng loại World Cup 2022 đã bị đẩy lên tới đỉnh điểm, đến mức mà vị HLV này sau trận đấu còn ra quy định không cho các học trò sử dụng mạng xã hội để tránh chịu tác động từ những thông tin tiêu cực.

Liridon Krasniqi, Guilherme de Paula và Mohamadou Sumareh là 3 cầu thủ nhập tịch được HLV Tan Cheng Hoe dùng trong trận đấu với UAE mới đây nhưng cả 3 đều gây thất vọng. Không ít ý kiến cho rằng dự án sử dụng cầu thủ nhập tịch với đội tuyển Malaysia thời điểm này chẳng khác nào một cú lừa. Họ, từ chỗ được hy vọng, thậm chí kỳ vọng nhưng những gì thể hiện trên sân lại tỷ lệ nghịch.

Vẫn biết phong độ chỉ là nhất thời và chỉ sau một trận đấu thì khó có thể đánh giá hết năng lực của từng cầu thủ nhưng rõ ràng, những cầu thủ nói trên và chính HLV Tan Cheng Hoe đang phải chịu sức ép ghê gớm. Để níu giữ cơ hội đi tiếp, Malaysia không còn cách nào khác buộc phải đánh bại đội tuyển Việt Nam (11/6) và Thái Lan (15/6) để ít nhất có được vị trí nhì bảng G. Về lý thuyết cùng là những đối thủ trong khu vực Đông Nam Á nên chênh lệch trình độ giữa 3 đội bóng Việt Nam, Malaysia và Thái Lan không quá nhiều. Tuy nhiên, điểm rơi phong độ và sự tự tin là điều mà các cầu thủ Malaysia hay kể cả Thái Lan hiện không có được còn đội tuyển Việt Nam lại nhỉnh hơn ở điểm này.

Chú thích ảnh
Quang Hải trong vòng vây của hậu vệ Indonesia. Ảnh: Hoàng Linh - Pv TTXVN tại UAE

Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo từ AFF Cup 2018, ASIAN Cup 2019 và đến giờ là vòng loại World Cup 2022 được xây dựng là một tập thể đồng nhất, gắn kết, các cầu thủ ăn ý, hiểu nhau vì tập luyện và thi đấu cùng nhau suốt một thời gian dài. Không cầu thủ nhập tịch, chỉ có duy nhất một Việt kiều là thủ môn Đặng Văn Lâm nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn thể hiện được sức mạnh chuyên môn, tinh thần quyết tâm, ý chí và sự tập trung đáng kể.

Đã hơn một lần HLV Park Hang-seo chỉ ra điểm mạnh ấy ở các cầu thủ đội tuyển Việt Nam và đó cũng chính là cơ sở để ông xây dựng chiến thuật phù hợp cho đội.Với những cá nhân như thế, tinh thần cũng lối chơi phù hợp nên hiển nhiên, đội tuyển Việt Nam không cần phụ thuộc vào nguồn ngoại lực, đó là những cầu thủ nhập tịch.Ngay cả vị trí thủ môn với Filipp Nguyễn từng được nhắc đến như là một sự lựa chọn để cạnh tranh với Đặng Văn Lâm nhưng rồi mọi chuyện chỉ dừng lại ở mức cơ hội và hy vọng. 

Đội tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Cup, lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2019 và dẫn đầu bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á bằng những cái tên thuần Việt như Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Văn Hậu, Trọng Hoàng, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Hùng Dũng, Công Phượng, Tiến Linh, Văn Đức, Văn Toàn… Vậy nên, không có lý do gì để HLV Park Hang-seo phải thay đổi để rồi đi vào vết xe đổ như những khó khăn mà đội tuyển Malaysia cùng HLV Tan Cheng Hoe đang phải đối mặt.

Lâm Chi (TTXVN)