04:09 24/04/2015

Vốn ngân hàng góp phần phát triển Tây Bắc

Trong những năm qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

Trong những năm qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

Sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại


Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành đã đặc biệt quan tâm, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu vực Tây Bắc, cải thiện điều kiện sinh sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc.

Được vay vốn ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo của ngân hàng, anh Giàng A Sinh, bản Thèn Pả, xã Tà Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã đầu tư cải tạo diện tích ao nuôi cá, chăn nuôi dê sinh sản.



Trong những năm qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh trong khu vực Tây Bắc. Hiện nay, ngoài 5 ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân có chi nhánh ở hầu hết các tỉnh trong khu vực thì còn có sự tham gia tích cực của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như ngân hàng TMCP Liên Việt, ngân hàng TMCP Kỹ thương, ngân hàng TMCP Hàng Hải, ngân hàng TMCP An Bình tại các thành phố, thị xã và trung tâm kinh tế. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có chi nhánh, phòng giao dịch tại tất cả các huyện trong khu vực.

Đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc đạt 113.179 tỷ đồng, tăng 21,35 % so với 31/12/2013, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (mức tăng chung cả nước 17,62%) và chiếm tỷ trọng 2,54% tổng nguồn vốn huy động toàn nền kinh tế.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn do đặc thù về địa hình, điều kiện kinh tế xã hội của khu vực, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã tích cực, chủ động tiếp cận khách hàng thông qua nhiều sản phẩm, dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu người gửi tiền nên nguồn vốn huy động của khu vực luôn tăng trưởng mạnh qua từng năm. Đối với công tác đầu tư tín dụng, ngành ngân hàng đã bám sát chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước để có những chính sách đầu tư tín dụng phù hợp khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực, từng bước nâng cao đời sống người dân, đồng thời kết hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Do nguồn vốn huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được gần 76% tổng nhu cầu vốn tín dụng của các địa phương trong vùng, ngành Ngân hàng đã chủ động điều chuyển vốn từ các khu vực khác về để đảm bảo vốn tín dụng luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư cho khu vực Tây Bắc, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nông lâm nghiệp, các lĩnh vực sản xuất thế mạnh của vùng như công nghiệp khai thác, chế biến. Ngoài ra, tín dụng ngân hàng dành cho các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia như thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu…, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực.

Một số chính sách tín dụng đặc thù của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có tác động không nhỏ trong việc khai thác thế mạnh, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc như: Chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được ngành ngân hàng triển khai từ đầu năm 2014 được coi là công cụ hiệu quả mà ngành ngân hàng đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện để từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất. Thực hiện chủ trương tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, các ngành, lĩnh vực thế mạnh của vùng, đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay của ngành Ngân hàng tại vùng Tây Bắc đạt 149.383 tỷ đồng, tăng 16,10% so với cuối năm 2013, cao hơn mức tăng chung cả nước (mức tăng chung cả nước 14,16%) và chiếm tỷ trọng khoảng 3,76% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 60.861 tỷ đồng, chiếm 40,74% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng và chiếm 8,17% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Trên 466.000 hộ thoát nghèo


Ông Đào Minh Tú cho rằng, do xuất phát điểm thấp so với cả nước và tỷ lệ hộ nghèo của khu vực còn cao nên bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại, thời gian qua ngành ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài việc chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đến các hộ nghèo, huyện nghèo, NHNN cũng đề xuất thực hiện chính sách tín dụng cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Kịp thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với mặt bằng lãi suất chung, động viên hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong việc tự lực sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2014, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của khu vực Tây Bắc đạt 21.620 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 16,7% tổng dư nợ vay của toàn hệ thống NHCSXH, với hơn triệu khách hàng còn dư nợ.

Trong hơn 10 năm hoạt động tại vùng Tây Bắc, NHCSXH đã góp phần giúp cho trên 466.000 hộ thoát nghèo, trên 1,7 triệu lao động được tạo việc làm mới nhờ vốn vay của các chương trình tín dụng. Hỗ trợ hơn 260.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được trên 552.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn… Đây được xem là nguồn vốn thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc.

Các dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng từng bước được hình thành và phát triển tại các địa phương trong khu vực, tạo ra những lợi thế mới trong hoạt động ngân hàng và tạo thêm tiện ích cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng ở khu vực Tây Bắc. Việc triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng đặc thù đối với ngành, lĩnh vực có thế mạnh của khu vực, các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, bộ mặt các vùng nông thôn trong khu vực có sự chuyển biến đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc đầu tư tín dụng nói riêng cũng như hoạt động ngân hàng nói chung tại khu vực Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn bởi đây vẫn là khu vực khó khăn nhất trong cả nước, cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực. Khu vực Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao và có nhiều huyện nằm trong danh sách các huyện nghèo nhất cả nước (32/62 huyện nghèo, không tính các huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa thuộc khu vực Tây Bắc), nhu cầu vốn cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách là rất lớn trong khi đó nguồn vốn dành cho các mục tiêu này của Ngân hàng Chính sách xã hội còn rất hạn chế. Khu vực Tây Bắc có diện tích rộng, chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế chưa phát triển và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy việc mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của các tổ chức tín dụng tại khu vực này gặp nhiều khó khăn, chất lượng đầu tư tín dụng còn bị ảnh hưởng. Nhằm khắc phục các khó khăn đã nêu đồng thời khai thác tốt tiềm năng lợi thế của khu vực, ngành Ngân hàng sẽ triển khai nhiều giải pháp có tính đột phá trong cả chính sách và biện pháp triển khai theo định hướng dưới đây.

V.T