06:10 16/06/2019

'Vốn mỏng' và những hệ lụy

Thực tế đang xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sử dụng vốn vay thay vì vốn chủ sở hữu (tình trạng vốn mỏng) trong sản xuất, kinh doanh. Việc này gây nên tình trạng thiếu lành mạnh trong kinh doanh cũng như "tiếp tay" cho hoạt động chuyển giá.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, khi cơ cấu vốn của doanh nghiệp chủ yếu được tài trợ bằng nợ thay vì vốn chủ sở hữu thì đó là tình trạng vốn mỏng. Tác dụng "lá chắn thuế" của lãi vay khiến cho các công ty rất thích đi vay nợ để tài trợ đầu tư thay vì phát hành thêm vốn cổ phần. Lá chắn thuế là khoản giảm thu nhập chịu thuế của một cá nhân hay doanh nghiệp đạt được thông qua những khoản được phép khấu trừ. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, số lượng doanh nghiệp FDI hiện chỉ chiếm 3% tổng số doanh nghiệp trong nước, nhưng quy mô tổng tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng. Đây là con số rất lớn khi so sánh quy mô tổng tín dụng của các tổ chức tín dụng chỉ hơn 7 triệu tỷ đồng.

Trong tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng này, tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI là 1,5 triệu tỷ đồng, bao gồm cả vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và phần vốn đi vay.

Qua kiểm soát 140 doanh nghiệp có vốn vay gấp trên 4 lần vốn chủ sở hữu thì 100% số doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp FDI, cá biệt có doanh nghiệp tỷ lệ này gấp hàng trăm lần như Samsung Display, Capitalland Tower... Trong khi đó, cổ tức chi cho các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam rất lớn, khoảng 10 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, một trong những hành vi tương đối phổ biến của các doanh nghiệp có vốn FDI trong thời gian qua là thực hiện chuyển giá thông qua hình thức vay vốn từ bên liên kết nước ngoài và trả lãi suất vay vốn rất cao.

Các công ty con tạo ra cơ cấu vốn và nguồn vốn bất hợp lý như: dùng nguồn vốn vay từ công ty mẹ để tài trợ cho tài sản cố định và tài sản đầu tư dài hạn mà không tăng vốn góp hay vốn chủ sở hữu nhằm đẩy chi phí hoạt động tài chính lên cao như: chi phí chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay...

Với cách thức này, lợi nhuận từ doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam đã được chuyển sang cho bên liên kết tại nước ngoài có mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam để được hưởng mức thuế suất thấp.

Hiện nay, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chỉ quy định không tính vào chi phí hợp lý, được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế đối với phần chi trả lãi tiền vay vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (trừ tổ chức tín dụng) vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, mà không khống chế khoản chi phí lãi tiền vay đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Vì vậy, có nhiều doanh nghiệp có khoản vay vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vay vốn từ công ty mẹ, công ty liên kết với mức vay lớn, phải trả lãi lên đến vài nghìn tỷ đồng/năm dẫn đến thua lỗ.

Theo Bộ Tài chính, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ là trên 50%, dẫn đến tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp.

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính nhìn nhận, đã có rất nhiều trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài lựa chọn đầu tư vốn chủ sở hữu thấp nhưng lại tài trợ vốn hoạt động cho công ty con bằng hình thức cho vay vốn. Đây chính là một hình thức chuyển giá của doanh nghiệp FDI.

Điều này dẫn đến tình trạng thất thu ngân sách và tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh. Ngoài ra, tình trạng này còn liên quan đến sự an toàn tài chính trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và các đối tác kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế này diễn ra khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Vì thế, Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OECD) đã có những khuyến cáo về các biện pháp pháp lý cần áp dụng để hạn chế tình trạng vốn mỏng.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, việc sử dụng nợ vay quá mức không chỉ làm tăng rủi ro tài chính mà còn làm phát sinh rủi ro đạo đức. Để kiểm soát tình trạng này, một số quốc gia đưa ra giới hạn trần vay nợ so với vốn tự có. Quy định này có bản chất tựa như quy định về hệ số an toàn vốn tối thiểu áp dụng cho các ngân hàng nhưng đơn giản hơn.

Ngoài ra, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế nếu vượt quá 20% tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay của người nộp thuế sẽ không được xem là chi phí được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đây là biện pháp để hạn chế tình trạng một số tập đoàn đa quốc gia góp vốn dưới hình thức cho vay để được hạch toán khấu trừ chi phí lãi vay, tập trung lãi vay vào các quốc gia có mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao để chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, nhiều nước trên thế giới có quy định về vốn mỏng, theo đó phần lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định (tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu) không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các nước như: New Zealand, Đức, Australia, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Peru, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Brazil… quy định vốn vay của doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu vượt quá tỷ lệ 3/1 thì được coi là vốn mỏng.

Dưới góc độ chuyên gia thuế, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, đối với Việt Nam, có một số giải pháp có thể giải quyết vấn đề “vốn mỏng”, chẳng hạn như quy định vốn pháp định đối với một số lĩnh vực kinh doanh; quy định về tỷ lệ an toàn vốn bắt buộc phải tuân thủ giữa vốn vay với vốn chủ sở hữu; quy định về chi phí lãi vay không được trừ tính thuế thu nhập doanh nghiệp gắn với tỷ lệ giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu…

Theo ông Trường, nhiều nước trên thế giới có quy định về "vốn mỏng", tức là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu quá cao. Khi đó, phần lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định (tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu) không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đây là một kinh nghiệm rất hay mà Việt Nam nên áp dụng. Khi áp dụng nên xác định các tỷ lệ giữa vốn vay/vốn chủ sở hữu phù hợp với đặc thù của các lĩnh vực kinh doanh, không nên quy định một tỷ lệ chung cho mọi lĩnh vực kinh doanh, PGS. TS Lê Xuân Trường đề xuất.

Văn Giáp (TTXVN)