05:06 23/05/2015

Vốn đã chảy vào doanh nghiệp

Bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm 2015 đang có nhiều tín hiệu khả quan khi các ngân hàng mở rộng thêm các gói cho vay song song với các chương trình đồng hành với doanh nghiệp.

Bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm 2015 đang có nhiều tín hiệu khả quan khi các ngân hàng mở rộng thêm các gói cho vay song song với các chương trình đồng hành với doanh nghiệp (DN)... giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Không ít DN ở các ngành nghề khác nhau đã và đang mạnh dạn vay thêm vốn, mở thêm thị trường, tuyển thêm người...

Nhu cầu vay trung và dài hạn tăng cao

Theo báo cáo của của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng 4 tháng đầu năm 2015 của cả nước tăng 2,78%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm trở lại đây. Đáng chú ý, tháng cuối của quý I/2015, nhu cầu vay vốn có biểu hiện tăng tốc, phần lớn nguồn vốn chảy vào trung và dài hạn.

Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.


Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng đạt 4,14%, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hỗ trợ DN. Hiện dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ trọng hơn 80% trên tổng dư nợ. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc chi nhánh NHNN TP Hồ Chí Minh, cho biết, tín hiệu vui là tín dụng trung và dài hạn tăng trưởng cao hơn với dư nợ ngắn hạn và chiếm tỷ trọng cao. Cụ thể, 4 tháng đầu năm, dư nợ cho ngắn hạn chỉ tăng 0,36%, chiếm 46,5% trên tổng dự nợ. Điều này cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư của DN tăng mạnh.

Để có được kết quả này, thời gian qua các ngân hàng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố không ngừng đẩy mạnh các hoạt động, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh tung ra các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn, phù hợp với từng lĩnh vực mà Chính phủ khuyến khích cho vay, các ngân hàng còn phối hợp với các địa phương đồng hành với DN thông qua các chương trình đối thoại, kết nối với DN. Điển hình tại TP Hồ Chí Minh, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của nền kinh tế thành phố.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, kết thúc năm 2014, chương trình đã tổ chức được 31 đợt ký kết trên địa bàn, cho vay hỗ trợ DN với tổng số tiền trên 40.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với kế hoạch được giao. Năm 2015, NHNN mở rộng đối tượng cho vay và dự kiến giải ngân vốn vay khoảng 60.000 tỷ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2014. Trong đó, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các kênh như: cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên; đối thoại ngân hàng doanh nghiệp; trực tiếp kí kết cho vay tại các quận huyện... NHNN đã xây dựng phương án cho vay đối với các DN không có tài sản thế chấp, như: xem xét cho vay tín chấp; cho vay thông qua quỹ bảo lãnh; quản lý dòng tiền của DN. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tìm biện pháp xử lý tốt nợ xấu, giảm xuống còn 3% để DN tiếp cận được nguồn vốn.

Vốn chảy vào công nghệ cao tăng mạnh

Theo định hướng của NHNN, các gói cho vay hỗ trợ DN thuộc 5 nhóm, lĩnh vực ưu tiên, áp dụng lãi suất ngắn hạn bằng VNĐ không quá 7%/năm đối với tất cả các lĩnh vực kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân khi tham gia chương trình. Riêng lãi suất cho vay trung, dài hạn áp dụng ở mức lãi suất xoay quanh 9%; tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức hợp lý và phụ hợp với điều kiện của tổ chức tín dụng, theo diễn biến của thị trường và tình hình thực tế để hỗ trợ cho DN.

Với sự hỗ trợ tích cực của ngân hàng và địa phương cùng các chính sách linh hoạt của Chính phủ, vốn cho vay trung và dài hạn đã tăng mạnh. Trong đó, vốn chảy vào đầu tư công nghệ cao cũng tăng. Cụ thể quý I/2015, nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng 44% so với cùng kì.

Lí giải vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng trước áp lực Việt Nam gia nhập TPP, các DN buộc phải thay đổi mẫu mã, chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm các nước khác. Vì thế, nếu DN không mạnh dạn vay vốn đầu tư, duy trì sản xuất kinh doanh, cải tiến sản phẩm, mở rộng thị trường thì DN đó ắt sẽ tự đào thải. Thừa nhận vấn đề này, ông Trần Tam Khoa, Giám đốc Công ty CP Kim Tín, chuyên sản xuất và kinh doanh vật liệu ngành hàng kim loại màu, hóa chất, cho biết, vừa qua công ty đã mạnh dạn vay 2,5 triệu USD vốn trung và dài hạn để mở thêm một nhà máy sản xuất nữa. Bởi trong năm nay, nhu cầu thiết bị hàng kim loại, hóa chất tăng mạnh hơn khi sản xuất của nền kinh tế phục hồi. Mức doanh thu của DN từ đầu năm đến nay đã tăng 25% so với cùng kỳ. Theo đó, việc vay vốn này không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu của thị trường khi DN tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới.

Tương tự, tập đoàn Sunhouse, chuyên về hàng gia dụng cũng đang tìm kiếm mở rộng thị trường mới để cạnh cạnh tranh với các nước ASEAN và các nước châu Á khác. Để đạt được tham vọng đó, DN không ngần ngại vay vốn đầu tư thêm 10 triệu USD. Ông Nguyễn Xuân Phú, CT Tập đoàn Sunhouse kỳ vọng tỷ trọng xuất khẩu sẽ chiếm 50% trên tổng doanh thu của DN.


Hải Yên

Minh Phú (TTXVN)