11:09 12/11/2010

Vốn chính sách theo sinh viên nghèo xuống phố

Với địa bàn tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp của khu vực miền núi phía Bắc, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tốt giữa địa phương với nhà trường

Với địa bàn tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp của khu vực miền núi phía Bắc, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tốt giữa địa phương với nhà trường để tổ chức thực hiện chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ.


Bà Đào Thị Lập gửi một phần số tiền vay của ngân hàng

Chúng tôi có mặt ở phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đúng lúc bà Đào Thị Lập, ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ mang tiền đến trả. Bà Lập có hai con, đều đang học năm cuối, một ở trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội và một ở ĐH Thái Nguyên. Bà Lập cho biết: “Tôi được vay theo chương trình HSSV từ khi các cháu bắt đầu nhập trường, mỗi học kỳ là 4 triệu đồng/cháu. Nếu không có khoản này thì không dám cho các cháu đi học đâu”. Quả thật với đồng lương công nhân cầu đường, mỗi tháng riêng gửi cho 1 đứa con học ở Hà Nội đã hết 2 triệu đồng, thì gia đình bà Lập không biết xoay xở thế nào nếu không có vốn vay. Kỳ này, công việc ổn định hơn nên bà Lập tích cóp mang trả được 12 triệu đồng trên tổng dư nợ 24 triệu đồng. Bà Lập nhận xét: “Thủ tục rất thuận lợi, mỗi lần giao dịch đều nhanh chóng”.

Cùng cảnh nuôi con đi học, ông Lê Huy Thành ở thị trấn Chùa Hang thì đang làm thủ tục vay của hộ khó khăn đột xuất theo hướng dẫn của NHCSXH Trung ương. Ông Thành tâm sự: “Gia đình chưa phải diện hộ nghèo hay cận nghèo, nhưng chu cấp cho một cháu đang học Cao đẳng Du lịch dưới Hà Nội là rất khó khăn. Tôi lại bị bệnh tim vừa phải nằm viện về, may nhờ cán bộ ngân hàng hướng dẫn xác nhận hộ khó khăn đột xuất để vay tiền gửi cho cháu, chứ thú thật tôi định cho cháu nghỉ”.

Vượt qua một quãng đường dài gập ghềnh, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Học, ở xóm Trung Thành, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ. Gia đình ông Học thuộc diện hộ nghèo, hiện có 2 con đang học ĐH ở Hà Nội, 1 con học THPT. Ông Học cho biết đang vay chương trình hộ nghèo 15 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, còn dư nợ vay HSSV là 16 triệu đồng, hiện đang làm thủ tục vay thêm 8 triệu đồng theo chương trình làm nhà 167. Thu nhập của cả nhà hiện trông chờ vào 4 sào chè, hơn 1 sào lúa và kết hợp chăn nuôi. Mỗi tháng ông Học gửi cho 2 con hơn 3 triệu đồng phụ thêm vào tiền vay chính sách. Ông Học thành thực: “Hồi đầu không dám vay nhiều vì sợ không trả được”. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Bình, ông Vũ Anh Bình cũng xác nhận: Bây giờ người dân địa phương đã biết làm ăn rồi, lãi suất vốn chính sách lại thấp nên bà con mới mạnh dạn vay theo các chương trình NHCSXH.

Kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg: Doanh số cho vay là 24.313 tỷ đồng. Doanh số thu nợ 876 tỷ đồng. Dư nợ đến 30/9/2010 là 23.736 tỷ đồng với 1.709.000 hộ gia đình được vay vốn cho 1.895.000 HSSV theo học ở các trường. Chương trình tín dụng HSSV đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy, phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.

Tròn 3 năm triển khai Quyết định 157, đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 19.500 lượt hộ gia đình, với 20.993 HSSV được vay vốn, dư nợ đến 31/10/2010 là 266,57 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 171 triệu đồng (khi cho vay thông qua hộ gia đình thì nợ quá hạn chỉ là 37 triệu đồng). Đạt được kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền đã thực hiện bài bản. 100% cán bộ, nhân viên các phòng giao dịch được tập huấn về quy trình, nghiệp vụ cho vay, cách thức tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho cơ sở. NHCSXH còn mời các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn, sở GD-ĐT và các cơ quan truyền thông tham gia tập huấn, triển khai. Ở cơ sở, các phòng giao dịch tham mưu cho chính quyền tổ chức tập huấn cho 100% lãnh đạo cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Cán bộ tín dụng tiếp tục hướng dẫn triển khai đến 100% tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, đồng thời trực hướng dẫn tại đơn vị để giải đáp ngay những khúc mắc nảy sinh.

Lãnh đạo NHCSXH Thái Nguyên đánh giá: Để chương trình cho vay HSSV phát huy tối đa hiệu quả, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức hội đoàn thể, đặc biệt là tổ tiết kiệm vay vốn phải tăng cường công tác tuyên truyền, nắm chắc quy trình thủ tục cho vay, bình xét đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn. Các trường có sinh viên đang theo học cần tạo điều kiện xác nhận nhanh gọn, đúng hồ sơ theo học tại trường. Cán bộ NHCSXH cũng phải tận tụy, hết mình với khách hàng. Với nỗ lực chung đó, nhiệm vụ của NHCSXH Thái Nguyên là đạt dư nợ cho vay HSSV đến hết năm 2010 là 300 tỷ đồng là trong tầm tay.

PV