09:23 17/09/2020

Vốn chính sách khơi dậy tiềm năng nông nghiệp ở Sơn La

Trở lại Sơn La giữa mùa thu này, chúng tôi “tai nghe, mắt thấy” phần chung tay góp sức của nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên miền rừng núi cao xa.

Chú thích ảnh
Phiên giao dịch của NHCSXH tại xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu.

Theo ông Hoàng Xuân Trường, Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La, trong suốt 18 năm qua, đặc biệt 8 tháng đầu năm 2020, dù gặp phải thời tiết nắng nóng, gay gắt, dịch bệnh COVID-19 tác động, nhưng với quyết tâm vượt mọi khó khăn, chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và địa phương, toàn đơn vị vẫn dốc sức lực thực thi nhiệm vụ huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn và tổ chức thực hiện hiệu quả 17 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương và nhân dân.

Cụ thể, doanh số cho vay trong 8 tháng đầu năm 2020 ở Sơn La đạt 656 tỷ đồng, bằng 87,8% so với cùng kỳ năm 2019, doanh số thu nợ đạt trên 410 tỷ đồng bằng 106% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng dư nợ đến nay lên xấp xỉ 4.700 tỷ đồng với hơn 140.000 khách hàng còn dư nợ, đạt 98,8% kế hoạch năm và kéo số tiền nợ quá hạn xuống còn 0,08% tổng dư nợ.

Toàn bộ nguồn vốn do huy động, tạo lập được kể cả nguồn ngân sách từ UBND tỉnh, huyện ủy thác là 127 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng bởi đơn vị đã triển khai tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội. Những cán bộ tín dụng chính sách chẳng quản ngại suối sâu, đèo cao, thiên tai, dịch bệnh, bền bỉ chuyển tải nhanh chóng, an toàn về các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn ở 5 huyện nghèo 30a (Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp) và đến tận nơi ở của các đối tượng là hộ nghèo, gia đình đồng bào Thái, Tày, Mông, Dao… khắp địa bàn rộng lớn tại 12 huyện, thành phố với 204 xã, phường, thị trấn trực thuộc.

Chú thích ảnh
Cơ ngơi theo mô hình VAC từ nguồn vốn ưu đãi của bà Trần Thị Tuyết, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua đã có khoảng 17.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở Sơn La có điều kiện chủ động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập tạo việc làm mới, xây dựng công trình nước sạch, nhà ở vững chắc; đầu tư chăn nuôi được 21.000 con trâu, bò; mở rộng, thâm canh 15.637 ha vườn cây ăn quả đặc sản như xoài, chanh leo lòng vàng, thanh long ruột đỏ. Đặc biệt đồng vốn chính sách đã hỗ trợ các huyện nghèo và 112 xã đặc biệt khó khăn khai hoang, phục hóa 610 ha ruộng nước, 600 ha ruộng bậc thang, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng lạc, nuôi cá lồng bè, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35,44% năm 2016 xuống còn 29,7% năm 2019. Năm 2018, Sơn La còn có hai huyện là Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a cũng có sự góp phần tích cực của nguồn vốn chính sách.

Nậm Lạnh là xã biên giới của huyện Sốp Cộp. Để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ và đúng về chính sách ưu đãi giảm nghèo của Đảng, Chính phủ, từ đó giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn mạnh dạn vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay cải tạo đất đồi, lập vườn trồng cây ăn quả và xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc. Nhờ đồng vốn chính sách, Nậm Lạnh chuyển đổi được 124 ha cây ăn quả, phát triển đàn trâu bò trên 4.300 con. “Trước đây, người dân xã chủ yếu trồng sắn, ngô, đời sống khó khăn. Từ khi được tuyên truyền, nhất là được vay 30 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để đầu tư phát triển sản xuất thông qua các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác nên đời sống nhân dân có nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,64% tính đến cuối năm 2019”, ông Tòng Văn Yêm, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Lạnh cho biết.

Cùng với Sốp Cộp, huyện Yên Châu cũng tích cực triển khai các biện pháp xóa đói giảm nghèo, trong đó chú trọng khích lệ nhân dân vay vốn, sử dụng vốn chính sách phát triển các loại xoài, thanh long, rau an toàn theo công nghệ Viet Gap. Với nguồn vốn hoạt động trên 360 tỷ đồng, NHCSXH tiếp sức cho miền đất đỏ Yên Châu nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp, tạo khí thế cho phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi sôi nổi và làm xuất hiện nhiều tấm gương tiên tiến về sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng. Mô hình kinh tế vườn ao chuồng (VAC) của anh Hoàng Văn Quyết, sinh năm 1992, ở bản Mo, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu đang được nhiều người biết đến bởi có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Mấy năm qua chàng trai dân tộc Thái này đã tận dụng lợi thế đất đai và tiền vốn vay ưu đãi để khai hoang phục hóa nương đồi, cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trại chắc chắn để nuôi bò sinh sản, lợn nái, kết hợp với trồng nhãn Hương Chi, bưởi da xanh, mía đường. Nhờ sử dụng đồng vốn chính sách có kế hoạch và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên đồi rừng, vườn cây ăn quả xanh tốt quanh năm, đàn gia súc béo khỏe, không bị dịch bệnh. Nguồn thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp vợ chồng anh Quyết xây nhà 2 tầng, mua sắm máy cày đất, máy xay xát ngô lúa phục vụ nhân dân thôn bản.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tựu to lớn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện công cuộc này suốt 18 năm qua. Thời gian tới, cùng các cấp, ngành trên địa bàn, NHCSXH tiếp tục đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có đủ điều kiện và nhu cầu đều được tiếp cận thuận lợi với các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH.

Lương Xuân - Đông Dư