10:08 03/10/2013

Voi và Lừa phải tìm cách sống chung

Chính phủ Mỹ đã buộc phải tạm thời “đóng cửa” từ ngày 1/10 sau khi hai viện Quốc hội nước này không thể tìm được tiếng nói chung trong dự luật ngân sách 2014. Mấu chốt của mọi bất đồng là vấn đề chi phí cho Đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama...

Chính phủ Mỹ đã buộc phải tạm thời “đóng cửa” từ ngày 1/10 sau khi hai viện Quốc hội nước này không thể tìm được tiếng nói chung trong dự luật ngân sách 2014. Mấu chốt của mọi bất đồng là vấn đề chi phí cho Đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama, được biết với tên gọi “ObamaCare”.

Các nghị sỹ Cộng hòa kiên quyết từ chối dự thảo ngân sách mới chừng nào nó vẫn bao gồm “Obamacare”. Nhà Trắng cáo buộc đảng Cộng hòa đang biến quốc gia thành con tin của luật ngân sách và các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy phần đông dân chúng có quan điểm tương tự.Chừng nào hai bên vẫn chưa thể thỏa hiệp về vấn đề ngân sách, hầu hết các công chức liên bang sẽ phải chịu cảnh không lương, các công viên quốc gia, thư viện và viện bảo tàng sẽ đóng cửa. Chỉ còn các cơ quan làm các nhiệm vụ thiết yếu như kiểm soát không lưu, kiểm tra hành khách, các tòa án liên bang, cơ quan bưu chính, phần lớn nhân viên của Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục làm việc. Lực lượng quân đội vẫn duy trì các nhiệm vụ như bình thường, song các nhân viên Bộ Quốc phòng cần chuẩn bị tinh thần cho việc lĩnh lương chậm.


Việc Chính phủ “đóng cửa” không hẳn là thảm họa nhưng nó sẽ có ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ. Một số ước tính rằng việc đóng cửa kéo dài sẽ gây thiệt hại khoảng 1% GDP của Mỹ. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của cuộc khủng hoảng trên chính trường nước Mỹ hiện nay chính là triệu chứng “vô chính phủ”. Quốc hội, gồm Thượng viện và Hạ viện lần lượt do hai đảng Dân chủ và Cộng hòa kiểm soát, bị đẩy sang hai cực trái dấu nhau bởi các phe phái không hề có động cơ thỏa hiệp trong vô số vấn đề. Đây dường như đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế của nghị trường Mỹ. Năm 2011, hai viện Quốc hội đã phải đối mặt với bài toán nâng mức trần nợ công để tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ (dù chỉ mang tính kỹ thuật), có thể đẩy nước Mỹ xuống vực thẳm, hay gần đây hơn, cuối năm 2012, là dự luật giảm thuế để tránh cho nước Mỹ va vào “vách đá tài chính”. Ở hai cuộc thử lửa này, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đã chấp nhận nhượng bộ vào phút chót, cùng thỏa hiệp để tránh những hậu quả xấu cho nước Mỹ. Nhưng lần này đã không có sự xuống thang.


Xem ra nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng về đường hướng và hệ thống hiến pháp. Giả sử thế bế tắc hiện nay có được giải quyết, người Mỹ lại phải đối mặt với thời điểm chạm mức trần nợ công vào cuối tháng này. Trong một kịch bản tồi tệ nhất, Mỹ sẽ buộc phải tuyên bố vỡ nợ. Dường như các chính khách của Đồi Capitol sẽ không cho phép một thảm họa như vậy xảy ra nhưng cũng không thể loại trừ khả năng nào, nhất là trong bối cảnh các bên đều không có dấu hiệu xuống thang như hiện nay. Rõ ràng, những gì đang xảy ra còn hơn cả sự tê liệt chính quyền.


Nhưng, tình trạng bất hợp tác giữa chính quyền của đảng Dân chủ và phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cũng sẽ không thể kéo dài vì trên thực tế, chính phủ vẫn hoạt động và việc đóng cửa chỉ mang tính biểu tượng. Con Voi và con Lừa (biểu tượng của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ) sẽ phải tìm ra giải pháp cho cuộc sống chung hiện nay nếu không muốn rơi vào hỗn loạn.


Nguyệt Ánh