10:18 01/10/2011

Vỡ mộng từ dế

Vài năm trước, người dân Vĩnh Phúc ồ ạt nuôi dế. Tuy nhiên, việc nuôi dế gần đây không đạt được như nhiều người dân mong đợi.

Khi dế "lên ngôi"

Cách đây 2 - 3 năm, nghề nuôi dế giống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được coi là nghề "hốt bạc" vì mỗi kỳ thu hoạch, dế nuôi sinh sản để bán giống cho lãi hàng chục lần so với các khoản chi phí đầu tư để nuôi. Lúc đó, dế chế biến được bán trên địa bàn tỉnh, nhất là khu đô thị, các quán rượu, bia khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất dế thịt chỉ ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg.

Năm 2008, anh Viên Văn Ngọc, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo là người đầu tiên đưa con dế về Vĩnh Phúc và con dế đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình anh. Từ khi thấy gia đình anh Ngọc làm ăn phát đạt nhờ con dế, nhiều người đã tìm đến học hỏi và mua dế giống về nuôi. Nhận thấy việc nuôi dế rất dễ dàng mất ít thời gian, đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế cao nên việc nuôi dế phát triển một cách ồ ạt, trong khi người nuôi chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường. 

Ở nhiều miền quê người ta đã phao tin, đồn thổi quá sự thật, cho rằng dế giống dễ bán, sản xuất ra bao nhiêu cũng không đủ vì nhu cầu chăn nuôi của người dân các tỉnh là rất lớn. Từng đoàn người ở khắp các tỉnh thành về Vĩnh Phúc tranh giành nhau mua mà nguồn cung không đủ. Dế thịt theo lời bàn tán cũng được rất nhiều người ưa chuộng, sản phẩm làm ra được bán cả trong và ngoài nước. Người nuôi dế sản xuất ra đến đâu, khách hàng đến tận nhà mua hết đến đó. Từ vài hộ chăn nuôi dế ban đầu, sau một thời gian ngắn Vĩnh Phúc đã có cả trăm hộ nuôi dế.

Ban quản lý đề án nâng cao kiến thức cho nông dân (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc) cũng đã mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân. Và rồi Hiệp hội nuôi dế Vĩnh Phúc đã ra đời năm 2010 với 80 hội viên.

Người nuôi "vỡ mộng"

Tuy nhiên, việc nuôi dế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gần đây bộc lộ rõ những mặt hạn chế, không đạt được như nhiều người dân mong đợi. Người dân hầu hết đã quay lưng với nghề nuôi dế, nhiều gia đình đã phá đàn để chuyển đổi nghề khác. Nguyên nhân họ từ bỏ nghề nuôi dế là do nguồn giống đã bão hòa. Mặt khác, dế thịt ế ẩm và mất giá. Sản phẩm mới được bán ở một số quán ăn và chủ yếu mang tính giới thiệu, quảng bá như là một thứ ẩm thực mới lạ nhưng cũng chỉ số ít thưởng thức cho biết.

Trại dế "Phương Nam" ở tổ 10, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường đã phải bỏ nghề, chuyển sang nuôi chim cút từ giữa năm 2010. Gia đình ông Nguyễn Đức Nhung, thôn Dẫn Tự, xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường là một trong thành viên thuộc Ban chấp hành của Hiệp hội nuôi dế tỉnh cho biết, gia đình ông bắt đầu nuôi dế sớm gần như nhất tỉnh, hồi đầu giá dế khá cao lên tới 700.000 - 800.000 đồng/kg vào những vụ dế hiếm. Nhưng khi có nhiều hộ nuôi thì đầu ra con dế gặp khó khăn. Xã Tân Cương quê ông Nhung có nhiều hộ nuôi nhưng do đầu ra khó khăn nên dần dần họ đã bỏ hết.

Dế thương phẩm khó bán, mặc dù người nuôi đã đem sản phẩm đi khắp nơi để chào hàng, giới thiệu. Nhiều hội viên đã yêu cầu Hiệp hội bao tiêu sản phẩm như đã cam kết ban đầu. Tuy nhiên, để Hiệp hội đứng ra bao tiêu thì hội viên phải mua dế giống của Hiệp hội. Cụ thể là mua một chậu dế giống thì Hội bao tiêu cho 5 kg dế thương phẩm với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg và phải nộp lại quỹ cho Hội là 50.000 đồng, trong khi đó giá một chậu dế giống của Hiệp hội từ 500.000 - 600.000 đồng (!?).

Dư luận cho rằng, một số cán bộ của ngành chức năng, nhất là ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã quá vội vàng phổ biến, thông tin cho nông dân, cơ quan tuyên truyền rằng việc chăn nuôi dế rất lãi, có chỗ bao tiêu sản phẩm tương đối ổn định... mới xảy ra tình trạng nuôi ồ ạt. Đây cũng là một bài học, đòi hỏi ngành chức năng cần thận trọng hơn khi đưa các loại cây trồng, vật nuôi mới lạ vào địa bàn thử nghiệm, để nhân rộng.

Nguyễn Trọng Lịch