04:10 29/04/2012

Vở diễn "Lời nguyền": Giàn thiên lý vẫn xanh và cốm làng Vòng vẫn thơm đón người trở về

Không ồn ào, đầy tiếng súng, không hiện diện những trận đánh ác liệt trên sân khấu, mà đi sâu vào khai thác nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn của những cựu binh Mỹ đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, khi phải trả giá cả đời vì những gì mình đã gây ra cho những người dân vô tội.

Không ồn ào, đầy tiếng súng, không hiện diện những trận đánh ác liệt trên sân khấu, mà đi sâu vào khai thác nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn của những cựu binh Mỹ đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, khi phải trả giá cả đời vì những gì mình đã gây ra cho những người dân vô tội. Đó chính là thành công lớn nhất của vở diễn "Lời nguyền" (tác giả kịch bản: Đại tá Phan Gia Liên, đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch- thuộc Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam, công diễn nhân kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những nỗi đau của chiến tranh chỉ có thể được hóa giải bằng yêu thương.


Đã 37 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn hiện diện từng ngày, thậm chí từng giờ trong nhiều gia đình Việt Nam và gia đình cựu chiến binh Mỹ. Đó có thể là nỗi đau mất mát người thân mà Diệu Hương phải chịu khi người chị gái của mình- Diệu Hoa- nữ bác sĩ quân y của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, đã hy sinh không tìm thấy xác. Đó cũng là nỗi đau của cô gái trong trắng 23 tuổi Diệu Hoa, đã hy sinh vào thời điểm đẹp nhất của tuổi con gái, còn mang nguyên giấc mơ về giàn hoa giấy tím và hương cốm làng Vòng... Nhưng đớn đau hơn, khi linh hồn của Diệu Hoa đã phải lưu lạc ở nước Mỹ hơn 30 năm sau khi hy sinh, bởi một phần thể xác (hộp sọ) và tâm hồn của cô (cuốn nhật ký) đã bị Harry- một người lính Mỹ đem theo về nước. 30 năm, linh hồn trong trắng đó đêm nào cũng khóc thầm vì nhớ quê hương, nhớ cha mẹ. Nỗi đau, dường như còn chưa mất đi với nữ bác sĩ dũng cảm, người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì Tổ quốc, người đã sát cánh cùng thương binh và đồng đội trong những ngày bom đạn khốc liệt năm 1972, và rồi hy sinh khi vẫn còn nằm trên võng... Và đó, còn là nỗi đau của bao gia đình có con cái bị nhiễm chất độc da cam, điôxin, vĩnh viễn mang những tật nguyền thể xác, tinh thần- đã được đạo diễn thể hiện bằng hình ảnh những chú rối bông trên sân khấu, vừa lột tả được nỗi đau, nhưng vừa khiến hình ảnh các em đáng thương, đáng yêu và vô tội hơn...

Nhưng chuyện không dừng ở đó. Những nỗi đau không chỉ tồn tại trong đất nước Việt Nam, với những người dân Việt Nam, mà bản thân người Mỹ- công dân của đất nước đã đi gieo rắc chiến tranh, cũng phải ngày đêm đối mặt với nỗi đau hậu chiến. Nỗi đau ấy hiển hiện như với Thượng nghị sĩ Harry- cựu binh Mỹ, người đã "đi lính vì nghĩa vụ với Tổ quốc, được điều sang Việt Nam với nhiệm vụ chiến đấu vì nước Mỹ", nhưng rồi khi trở về, đã mang theo nỗi dằn vặt trong tâm hồn vì "hai bàn tay này đã gây ra nhiều tội lỗi". Chính Harry cùng với tiểu đội của mình đã phát hiện ra chiếc võng của nữ bác sĩ quân y của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cùng 20 chiếc võng khác, mà trên mỗi chiếc võng chỉ còn lại một bộ xương. "Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tôi lại tiến gần tới một chiếc võng, và đã nhặt chiếc đầu lâu cùng cuốn sổ ở trên võng, mang về nước Mỹ. Và từ đó, một lời nguyền đã đeo đuổi gia đình tôi", Harry đau đớn thốt lên như vậy trong vở kịch.
Nhưng không vì một "lời nguyền" nào từ người thiếu nữ Việt Nam nhân hậu, người đã yêu thương và sẻ chia nỗi đau với linh hồn của chàng chiến binh da đỏ đã bị tổ tiên của Harry chặt đầu mang về từ cuộc chiến chinh trước đó, đã 200 năm bị nhốt ở căn nhà u tối này, đau nỗi đau không thể siêu thoát. Cũng người thiếu nữ ấy, cùng với linh hồn của chàng chiến binh da đỏ đã yêu thương, che chở, bảo vệ cho con trai của Harry- cậu bé Joahn tật nguyền; cứu cậu thoát khỏi vụ giết hại của các thành viên tổ chức 3K.

"Lời nguyền" chỉ là sự dằn vặt trong tâm của Harry, vì những nỗi đau mà người lính ấy và quân đội Mỹ đã gieo xuống những người dân Việt Nam vô tội, những người như Diệu Hoa. Lời nguyền còn là nỗi ân hận khi chứng kiến con trai mình lớn lên trong ốm yếu, suốt ngày lên cơn co giật, kém phát triển... mà sau này thì Harry biết là bởi Joahn đã bị nhiễm chất độc da cam từ chính ông...

Vậy nên, mọi "lời nguyền" là do chính Harry tạo ra, là sự báo ứng "Kẻ nào gieo gió, sẽ gặt bão" như một câu thành ngữ của Việt Nam mà Diệu Hương đã đọc cho Joahn nghe, khi cậu bé ngây thơ hỏi cô về nỗi đau, về những mất mát trong cuộc sống mà con người phải gánh chịu.

Nhưng nếu chỉ có những nỗi đau, sự dằn vặt, những mất mát như vậy, vở kịch "Lời nguyền" sẽ thật sự u ám, và dường như cuộc chiến với những hậu quả của nó vẫn thực sự chưa đi qua. Đó không phải điều các tác giả vở diễn muốn hướng tới. Thế nên, sau mọi nỗi đau, vẫn thấy bài ca của tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống, tình yêu hòa bình vang lên. Những người lính Mỹ năm xưa và những công dân Việt Nam hôm nay đã sát cánh cùng nhau trong cuộc chiến chống lại những kẻ đã gieo rắc chất độc da cam. Linh hồn của Diệu Hoa, chàng chiến binh da đỏ và cậu bé Joahn đã cùng nhau trở về Việt Nam với em gái Diệu Hoa là Diệu Hương, để được thấy một Việt Nam yên bình sau chiến tranh "có giàn thiên lý xanh mướt, có cốm làng Vòng...". Luôn thế, yêu thương luôn là cách để hóa giải mọi thù hận, là cách để tâm hồn được giải thoát và hát lên bài ca của hòa bình, tự do.

Những gì là quá khứ thì chẳng bao giờ quên, nhưng hiện tại ta cần sống sao cho tốt đẹp mới là điều cần nhớ- đó chính là thông điệp "đẹp" mà vở diễn đã mang lại cho người xem.

Với thế mạnh của các diễn viên Nhà hát kịch là diễn những vở chính luận, đạo diễn Lê Hùng đã khá chau chuốt và cẩn thận khi dàn dựng trong từng cảnh, từng phân đoạn và với ê kíp diễn viên cũng khá “có nghề” như: Ngân Hoa, Hồng Quang, Vĩnh Xương, Quỳnh Hoa, Phú Đôn… cùng tập thể các diễn viên trong nhà hát. Vở diễn ra mắt khán giả dịp 30/4 này.

Bài và ảnh: T.A