03:10 30/03/2012

V-League Eximbank 2012: Nhờn thuốc

Chỉ mới qua 11 vòng đấu, V-League Eximbank 2012 đã gióng lên hồi chuông về đạo đức cầu thủ cũng như cách hành xử thiếu văn hóa của quan chức một số câu lạc bộ tham dự giải.

Chỉ mới qua 11 vòng đấu, V-League Eximbank 2012 đã gióng lên hồi chuông về đạo đức cầu thủ cũng như cách hành xử thiếu văn hóa của quan chức một số câu lạc bộ tham dự giải.

Ở vòng đấu thứ 10, Phó chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài đã có hành động phản cảm khi chỉ tay vào mặt trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh để phản ứng cách điều hành trận đấu giữa CLB Thanh Hóa với đội chủ nhà Kienlongbank Kiên Giang.

Hành động của ông Nguyễn Trọng Hoài (giữa) đã bị dư luận lên án.

Vì không đồng tình với những quyết định của trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh, đặc biệt là sau tình huống liên quan đến hành động của Oseni (K.Kiên Giang) cùng các nhân viên y tế sân Rạch Giá với một cầu thủ Thanh Hóa bị chấn thương phải nằm sân, lãnh đội, ban huấn luyện và cầu thủ CLB Thanh Hóa đã có những phản ứng gay gắt với trọng tài. Đáng chú ý, Phó chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài đã xuống tận sân và không ngần ngại chỉ thẳng tay vào mặt trọng tài Khanh. Sau đó, vị lãnh đội CLB xứ Thanh đã bị trọng tài Khanh “mời” lên khán đài.

Cũng vòng đấu thứ 10, trận Sài Gòn FC gặp chủ nhà V.Ninh Bình, khán giả xem truyền hình đã phải chứng kiến những câu chửi thề tục tĩu của tiền đạo Danh Ngọc (V.Ninh Bình) khi cầu thủ này bị trọng tài Ngô Quốc Hưng rút thẻ vàng thứ 2 (phút 87) do lỗi ăn vạ trong vòng cấm. Cho rằng mình bị oan, Danh Ngọc lập tức có những lời lẽ thiếu văn hóa đối với trọng tài Ngô Quốc Hưng (được VTV3 Đài truyền hình Việt Nam ghi lại). Sau khi nhận án kỷ luật, Danh Ngọc phân trần, chửi thề vốn là thói quen, câu cửa miệng của “dân đá bóng”, chứ anh không có ý định chửi đích danh trọng tài Hưng. Cầu thủ số 9 của V.Ninh Bình đã tỏ ra hối hận và xin được giảm án phạt. Tuy nhiên, với cách hành xử thiếu văn hóa của một cầu thủ chuyên nghiệp như Danh Ngọc, khiến người hâm mộ một lần nữa phải ngán ngẩm với hành động phi thể thao của cầu thủ này. Cho dù trọng tài có đưa ra quyết định sai, thì khán giả xem truyền hình cũng không muốn thấy hình ảnh một cầu thủ văng tục, bởi hành vi ấy vô tình đã khiến người xem cảm thấy bị xúc phạm. Đây không phải lần đầu tiên Danh Ngọc có hành động như vậy. Cách đây 3 mùa bóng, khi còn khoác áo Mikado Nam Định, Danh Ngọc cũng phải nhận án phạt tương tự vì có những lời lẽ lăng mạ và giơ “ngón tay thối” về phía cổ động viên của Thể Công. Thật tiếc cho Danh Ngọc, khi anh từng bị treo giò cả mùa giải trước và mới được giảm án ở đầu mùa giải năm nay, nhưng đã không lấy đó làm bài học.

Khi mà án phạt của Ban tổ chức giải đối với cầu thủ Danh Ngọc còn chưa ráo mực, thì ở vòng đấu 11 trên sân Plâycu (Gia Lai), người hâm mộ lại tiếp tục chứng kiến hành vi thiếu văn hóa của hậu vệ Nguyễn Quốc Long (CLB Hà Nội T&T). Khi bị trọng tài chính (cũng trọng tài Ngô Quốc Hưng) phạt thẻ vàng vì lỗi chơi xấu với đội bạn, cầu thủ này đã chắp hai tay vái lạy trọng tài. Cũng chính lỗi phản ứng phản cảm này mà trọng tài Hưng đã rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của Quốc Long.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên, một cầu thủ ở V-League có hành vi vái lạy trọng tài. Còn nhớ ở đầu mùa giải V-League 2010, tiền đạo Lê Công Vinh khi đó còn khoác áo Hà Nội T&T đã để lại hình ảnh rất xấu khi anh chắp hai tay vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh trong trận đấu trên sân Đồng Tháp. Khi đó, Công Vinh là ngôi sao số một của bóng đá Việt Nam, nhưng anh cũng không thoát khỏi án phạt bị treo giò 6 trận từ Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Qua những sự việc vừa nêu, có thể thấy với cách hành xử thiếu văn hóa của các cầu thủ cũng như lãnh đạo một số câu lạc bộ đang làm xấu đi hình ảnh bóng đá Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ những hành vi phi thể thao cứ lặp đi lặp lại ở V.League là xuất phát từ việc xử lý thiếu kiên quyết của những người điều hành giải, nó giống như con bệnh bị nhờn thuốc. Đơn cử ở vụ việc của Danh Ngọc (V.Ninh Bình), có thể thấy rõ sự thiếu nhất quán giữa Ban kỷ luật và Ban tổ chức giải khi đưa ra án phạt đối với cầu thủ số 9 của V.Ninh Bình. Cụ thể, với quan điểm của Ban kỷ luật giải, thì hành động của Danh Ngọc là vô can. Còn với quan điểm Ban tổ chức giải thì kết luận của Ban kỷ luật là không phản ánh đúng bản chất sự việc. Căn cứ hồ sơ của các giám sát trận đấu, giám sát trọng tài, băng ghi hình trận đấu và cả bản tường trình của các bên liên quan, Ban tổ chức giải đã không chấp nhận với kết luận của Ban kỷ luật giải. Và cuối cùng, bản án mà Ban tổ chức giải đưa ra đối với Danh Ngọc là treo giò 6 trận và phạt cầu thủ này 20 triệu đồng đã được dư luận đồng tình.

Từ sự việc trên, một lần nữa cho thấy sự bất cập của bóng đá Việt Nam không chỉ ở chất lượng chuyên môn, mà còn ở cách ứng xử thiếu chuyên nghiệp của những người cầm cân nảy mực giải đấu. Đề cập đến những sự cố xảy ra trong những vòng đấu gần đây liên quan đến công tác trọng tài, Trưởng Ban tổ chức V-League 2012 Trần Duy Ly cho rằng: Không phải ở mọi tình huống, trọng tài đều có quyết định chính xác, họ cũng có những quyết định sai lầm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ phải đón nhận những lời lẽ thiếu văn hóa, thành nơi trút giận của các cầu thủ. Họ rất cần sự cảm thông chia sẻ từ phía các đội bóng cũng như người hâm mộ. Chúng tôi luôn tiếp nhận những khiếu nại để làm rõ đúng sai, song cần các bên liên quan phải có tinh thần xây dựng. Có như vậy mới hy vọng giải đấu thành công, đáp ứng mong mỏi của người hâm mộ.

Yến Nhi