03:20 15/03/2017

Vĩnh Long nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Năm 2017, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu thành lập mới 60 tổ hợp tác, 10 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của các hợp tác xã trên 10%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 10% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh của hợp tác xã hiện có và triển khai thực hiện xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới trên các lĩnh vực trái cây, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề và ngành nghề nông thôn… 


Đó là mục tiêu được Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Vĩnh Long đề ra tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, tổ chức ngày 15/3. 

Nông dân huyện Bình Tân đang thu hoạch vụ khoai lang đông xuân 2014 - 2015 . Ảnh: Huỳnh Kim Phượng/TTXVN


Để thực hiện mục tiêu đề ra, theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Trương Văn Sáu, tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức đúng về kinh tế tập thể; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới và kiên quyết giải thể các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động mang tính hình thức, hoạt động kém hiệu quả.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, ưu tiên xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trên lĩnh vực nông nghiệp (lúa gạo, trái cây, thủy sản), thương mại và dịch vụ, hợp tác xã quản lý kinh doanh khai thác chợ.

Tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ tại các vùng nguyên liệu tập trung có lợi thế cạnh tranh của địa phương (lúa, khoai lang, trái cây, rau màu, thủy sản…).

Đồng thời, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nhất là đầu tư bảo quản, chế biến nông sản, áp dụng các mô hình sản xuất sạch, chuyển giao và áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long huy động, thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, phát huy nội lực từ chính người nông dân và sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức; khuyến khích thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên ngành phù hợp về làm việc lâu dài tại hợp tác xã; xây dựng các mô hình khuyến nông gắn với mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã.

Năm 2016, tỉnh Vĩnh Long thành lập mới được 10 hợp tác xã, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, giao thông thủy bộ; đồng thời, giải thể 15 hợp tác xã yếu kém. Toàn tỉnh hiện có 100 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã và 5 quỹ tín dụng nhân dân với 7.244 thành viên, giải quyết việc làm cho trên 6.700 lao động.

Trong năm, các hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ổn định với tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt trên 520 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 153 triệu đồng/hợp tác xã. Chất lượng hoạt động hợp tác xã đạt khá, giỏi chiếm trên 51%, trung bình trên 46% và yếu kém trên 2%...

Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập mới 79 tổ hợp tác sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và giải thể 141 tổ hợp tác; nâng tổng số tổ hợp tác hiện có của tỉnh là 1.574 tổ hợp tác với hơn 73.800 hộ thành viên.

Tuy nhiên, kinh tế tập thể của tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhiều hạn chế như: Tình hình hợp tác xã, tổ hợp tác giải thể cao hơn số lượng phát triển mới; việc liên kết, liên doanh giữa hợp tác xã với hợp tác xã, với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao; nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính yếu, trình độ quản lý điều hành hạn chế trong định hướng, giải pháp hoạt động nên khả năng cạnh tranh thấp; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, đoàn thể chưa sâu sát.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)