05:19 20/05/2019

Vĩnh Long: Lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Ngày 20/5, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Thành, Bộ luật Lao động năm 2012 qua thực tiễn thi hành đã bộc lộ bất cập cần sửa đổi ở nhiều vấn đề như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc, công đoàn, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công…

Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2012 cũng cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự tương thích giữa pháp luật lao động quốc gia với tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện trong khuôn khổ pháp lý quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tiền lương, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể…

Ông Nguyễn Xuân Nam, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần may Vĩnh Tiến cho biết, đại đa số người lao động tại công ty chưa đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo đề cập.

Theo ý kiến của người lao động, thực tế việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời tận dụng được "chất xám" và kinh nghiệm của người làm việc lâu năm ở một số ngành có chuyên môn cao như: Bác sỹ, kỹ sư nghiên cứu, các nhà khoa học, sáng tạo.

Tuy nhiên, đối với một số ngành như: Dệt may, da giày thì rất khó để làm việc đến khi nghỉ hưu (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ theo quy định hiện hành), chứ chưa đề cập đến tăng tuổi nghỉ hưu như 2 phương án đề xuất của dự thảo.

Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ trở thành gánh nặng cho những doanh nghiệp và đi ngược với chính sách trẻ hóa độ tuổi lao động trong cơ cấu nhân lực. Do đó, Quốc hội nên nghiên cứu phân loại theo các nhóm ngành nghề, công việc khác nhau để tăng tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.

Các đại biểu cũng cho rằng, thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý để điều chỉnh quan hệ lao động tại từng doanh nghiệp, đem lại quyền lợi cho người lao động. Do đó, ngoài quy định về việc làm và đảm bảo việc làm, dự thảo cần quy định cụ thể về chế độ bữa ăn giữa ca, phúc lợi tập thể, trợ cấp hiếu hỉ, giải quyết tranh chấp lao động... vào thỏa ước lao động.

Tin, ảnh: Phạm Minh Tuấn (TTXVN)