05:17 22/05/2021

Vĩnh biệt 'cha đẻ' của giống lúa lai Trung Quốc

Nhà khoa học Trung Quốc Viên Long Bình, người nổi tiếng vì đã lai tạo thành công giống lúa lai đầu tiên giúp hàng triệu người thoát khỏi nạn đói, đã qua đời ở tuổi 91 vào ngày 22/5.

Chú thích ảnh
Nhà khoa học Trung Quốc Viên Long Bình đã qua đời ở tuổi 91 vào ngày 22/5. Ảnh: scmp.com

Nhà nghiên cứu về lúa gạo hàng đầu Trung Quốc đã qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. 

Sinh tại Bắc Kinh vào năm 1930, nhà nông học Viên Long Bình đã thành công trong việc tạo ra giống lúa lai năng suất cao đầu tiên trên thế giới vào năm 1973. Với 5 thập kỷ nghiên cứu về giống lúa lai gieo trồng trên chưa đầy 9% tổng diện tích đất canh tác của thế giới, Viện sĩ Học viện kỹ thuật Trung Quốc đã giúp gần 20% dân số thế giới thoát khỏi nạn đói. 

Giống lúa lai này có thể cho năng suất cao hơn 20% so với những giống lúa thông thường. Sau đó, giống lúa này đã được trồng rộng rãi ở Trung Quốc và nhiều khu vực khác trên khắp thế giới. Hiện nay, khoảng 16 triệu ha đất nông nghiệp ở Trung Quốc là trồng giống lúa lai này, chiếm 57% tổng diện tích trồng lúa trên cả nước, qua đó giúp nuôi sống thêm 80 triệu người mỗi năm. Nhà nông học Viên Long Bình đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành một trong những nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Với thành công và đóng góp này, ông được coi là "cha đẻ" của giống lúa lai.

Trong những năm gần đây, nhà khoa học Viên Long Bình cùng nhóm nghiên cứu của ông còn đang lai tạo và phát triển một giống lúa lai có thể trồng ở môi trường nước mặn.

Nhà khoa học Viên Long Bình từng cho biết ông có hai ước mơ, đó là "tận hưởng sự mát mẻ dưới bóng những cây lúa cao hơn đầu người" và lúa lai có thể được trồng rộng rãi trên khắp thế giới để giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực trên toàn cầu.

Trần Quyên (TTXVN)