04:15 22/04/2018

VietinBank 'rút lui' thương vụ sáp nhập với PGBank

Chia sẻ lý do rút lui, theo ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, do quá trình đàm phán kéo dài, thị trường ngân hàng thay đổi nhanh, nên nếu sáp nhập với PGBank, VietinBank chưa chắc đã khai thác được hết các cơ hội như mong muốn. Trong khi đó, cổ đông HDBank vừa thông qua các tờ trình, đồng ý nhận sáp nhập với PGBank.

Ngày 21/4, các cổ đông VietinBank đã thông qua việc dừng giao dịch sáp nhập với PGBank, nhằm tập trung nguồn lực cho chiến lược phát triển trong thời gian tới. Trước đó, tại Đại Hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 - 2016 của VietinBank đã thông qua giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank.

Theo lãnh đạo HDBank, PGBank là ngân hàng nhỏ nhưng sạch, có đối tác chiến lược Petrolimex. Sau sáp nhập, ngân hàng sẽ có được hệ sinh thái khách hàng lớn, phù hợp với hoạt động bán lẻ của ngân hàng. Ảnh nguồn HDBank

"Bằng nguồn lực tài chính mạnh của ngân hàng, ban lãnh đạo sẽ có biện pháp khác để phát triển kinh doanh, thay thế kế hoạch sáp nhập đưa ra 3 năm trước đây," ông Thọ nói. Lãnh đạo VietinBank cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ tìm kiếm nhà băng khác để sáp nhập, sau vụ mua bán PGBank bất thành.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Quyết định này xuất phát từ nguyên nhân giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank là giao dịch sáp nhập tự nguyện, đồng thời ngân hàng cần tập trung nguồn lực cho chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Ngày 16/6/2017, PGBank đã có công văn số 247/2017/CV-PGB gửi VietinBank chính thức đề xuất dừng thực hiện giao dịch sáp nhập. Trong khi  VietinBank rút lui khỏi thương vụ sáp nhập với PGBank, thì một số thông tin cho rằng: Có hai ứng viên có khả năng thay thế là MB và HDBank.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho hay: Ngân hàng đã nghiên cứu, tìm hiểu một số ngân hàng và trong đó có PGBank. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang trong quá trình đàm phán, đánh giá trao đổi sâu với PGBank và vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng nào được thông qua. Còn theo ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MB, trong giai đoạn 2017 - 2021, ngân hàng có thể sẽ mua bán sáp nhập với một ngân hàng khác để tăng quy mô nếu phù hợp và hiệu quả.

Còn phía HDBank, Chủ tịch HĐQT Lê Thị Băng Tâm vừa bổ sung tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập PGBank ngay sau khi Ban kiểm soát thông báo Đại Hội cổ đông thường niên 2018 đủ điều kiện tiến hành. Phía PGBank cũng đang thông qua đề án sáp nhập vào HDBank. Theo đó, 100% cổ đông PGBank đã đồng ý sáp nhập vào HDBank. Trong khi đó phía HDBank có 94,28% cổ đông đồng thuận, có hơn 5% số cổ đông không đồng ý.

Lãnh đạo HDBank cho biết: theo sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), HDBank được phép tham gia chương trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại. Ngày 20/4, HDBank và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã ký hợp tác chiến lược trong đó bao gồm nội dung sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu - PGBank vào HDBank.

Hội đồng quản trị HDBank có trách nhiệm trình Đại hội cổ đông bổ sung chương trình nghị sự 2018 các vấn đề liên quan đến dự án trình xin ý kiến cổ đông thông qua việc sáp nhập PGBank vào HDBank, tóm tắt đề án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập...

Theo lộ trình sáp nhập, hai ngân hàng sẽ trình NHNN ngay trong tháng 4/2018 và đến tháng 5 dự kiến sẽ được nhà quản lý chấp thuận. Tháng 5/2018, HDBank sẽ gửi hồ sơ chào bán cổ phần lên Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và sẽ chốt danh sách thực hiện phân phối cổ phiếu để hoán đổi cổ phần vào tháng 7/2018. Đến tháng 8/2018 sẽ hoàn tất thương vụ sáp nhập.

Theo tài liệu đề án sáp nhập, tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1:0,621 (1 cổ phiếu PGbank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank). Phía PGBank cam kết các cổ đông đồng ý toàn bộ số cổ phần theo tỷ lệ hoán đổi đã xác định sẽ bị phong toả và chỉ được chuyển nhượng 30% sau 6 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức và 70% còn lại được chuyển nhượng sau 12 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức.

HDBank sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu phổ thông để hoán đổi cổ phần PGbank. Vốn điều lệ sau phát hành là 12.810 tỷ đồng (HDBank 9.810 tỷ và PGBank là 3.000 tỷ đồng).

Do tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:0,621, 186,3 triệu cổ phiếu HDBank sẽ được phân bổ cho cổ đông PGBank. Còn lại 113,7 triệu cổ phiếu HDBank sẽ được phân bổ cho cổ đông hiện hữu của nhà băng này theo tỷ lệ 1 cổ phiếu HDBank được nhận thêm 0,116 cổ phiếu.

Tuy nhiên toàn bộ số cổ phần này là cổ phần phổ thông kèm điều kiện mua lại và HDbank sau sáp nhập sẽ mua lại toàn bộ số cổ phần này làm cổ phiếu quỹ với giá mua lại tối đa là 13.000 đồng mỗi cổ phiếu trong thời gian tối đa 30 ngày kể từ ngày hoàn tất việc chào bán cổ phần. Thời gian hoán đổi cổ phần dự kiến diễn ra vào tháng 7/2018.

Theo bà Nguyễn Thị Phi Loan, Cục phó Cục Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, về chủ trương sáp nhập với PGBank, mục tiêu của việc sáp nhập là nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt đẩy mạnh bán lẻ. HDBank là ngân hàng có kinh nghiệm, còn PGBank là ngân hàng quy mô nhỏ và cũng có những tồn tại yếu kém, nhưng không quá nặng nề như các ngân hàng khác để có thể ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Do đó, NHNN hy vọng HDBank sẽ có những đánh giá, những biện pháp xử lý để đem lại hoạt động tốt nhất và lợi ích cao nhất cho cổ đông.

        Việc sáp nhập có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho hay: Theo thực tiễn thị trường không có quy định nào điều chỉnh giá cổ phiếu do sáp nhập, mà tất cả là do thị trường điều chỉnh dựa trên chỉ số tài chính của các ngân hàng để định đoạt giá trị. Việc sáp nhập này không giống như cổ phiếu phát hành tăng vốn. Trước đó, trong kế hoạch kinh doanh đã đề cập rõ, trước sáp nhập lợi nhuận trước thuế là khoảng hơn 3.900 tỷ và sau sáp nhập là gần 4.700 tỷ đồng.


Minh Phương/Báo Tin tức