09:11 16/09/2011

Viết tiếp vụ ép dân lập di chúc theo ý cán bộ xã ở Hưng Yên: Xã lại vin vào sai phạm trong bản đồ địa chính do xã lập

Sau khi vụ việc ông Nguyễn Tiến Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm ép dân lập di chúc bị báo chí phanh phui, ngày 9/9/2011, ông Nguyễn Văn Tiến, người có ý nguyện di chúc, đã nhận được thông báo của ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng...

Sau khi vụ việc ông Nguyễn Tiến Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm ép dân lập di chúc bị báo chí phanh phui, ngày 9/9/2011, ông Nguyễn Văn Tiến, người có ý nguyện di chúc, đã nhận được thông báo của ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng về việc ông Tiến chỉ được di chúc 265m2 theo trích lục bản đồ địa chính xã năm 2001, chứ không được di chúc toàn bộ diện tích thực tế mà gia đình ông Tiến ở từ mấy chục năm qua.

Xã khẳng định không lập di chúc là đúng!

Ngày 9/9/2011, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, thôn Văn Ổ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên nhận được Thông báo số 20/TB - UB do ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng ký, nêu rõ:

Theo đơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Tiến về việc đề nghị lập di chúc, ngày 4/8/2011, UBND xã Đại Đồng đã phân công ông Nguyễn Tiến Mừng, ông Đặng Văn Thảnh, ông Nguyễn Văn Chiến tiến hành lập di chúc cho ông, khi chúng tôi xem xép và đã lấy số liệu do ông Đặng Văn Thảnh, cán bộ địa chính xã cung cấp số liệu mảnh đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến với diện tích là 265m2, theo tờ bản đồ số 18 trang 13, thửa đất số 486 chứ không phải là 346m2, như vậy việc lập di chúc của ông là không hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Tiến chỉ được phép lập di chúc với số diện tích là 265m2, theo tờ bản đồ số 18, trang 13, thửa đất số 486.

Với bản thông báo này, ông chủ tịch xã Đại Đồng đã khẳng định việc ông Nguyễn Tiến Mừng và ông Đặng Văn Thảnh lập Biên bản di chúc theo nguyện vọng của ông Nguyễn Văn Tiến không thành là do bản đồ địa chính! Đồng thời Thông báo này cũng khẳng định ông Nguyễn Văn Tiến chỉ là chủ sở hữu thửa đất T 486 với diện tích 265m2 (thấp hơn thực tế 88 m2), do đó ông Tiến chỉ được quyền lập di chúc cho thửa đất này.

Sai phạm từ bản trích lục bản đồ.

Chúng tôi đã tìm hiểu thực tế về nguồn gốc đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến. Bà Nguyễn Thị Xa, chủ sở hữu mảnh đất giáp tường phía bên phải nhà ông Tiến, cho biết: “Gia đình ông Tiến mua đất của cụ Trưởng Viền từ năm 1974, nhà bà Xa mua năm 1976. Giữa các gia đình đều ngăn cách bằng bờ rào, không có tranh chấp gì đến tận bây giờ. Khi mua trong vườn phía sau nhà ông Tiến cũng như nhà bà Xa đã có những ao nhỏ do gia đình cụ Trưởng Viền đào lấy cát bán. Những năm sau cả nhà ông Tiến và nhà bà Xa đều tiếp tục đào vườn lên lấy cát bán để sinh sống. Ao nhà ông Tiến mới được lấp những năm gần đây và bây giờ chính là nửa phía sau của căn nhà cao tầng do anh con trai mới xây”.

Bà Xa chỉ bức tường giáp ranh nhà bà và nhà ông Tiến đã xây mấy chục năm.


Phần ao nhà ông Tiến mà bà Xa nói chính là khoảnh đất thuộc thửa Ao số 485 với diện tích 88m2, thuộc tờ bản đồ số 18 trang 13, trích lục năm 2001.
Chúng tôi đã đem vấn đề này hỏi ông Trịnh Đình Hoằng, con trai cụ Trưởng Viền, sau khi xem trích lục bản đồ kèm theo công văn số 20/TB - UB do ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng ký, ông Hoằng khẳng định: “Nhìn trên bản đồ, thửa đất T 486 và Ao 485 đều thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Tiến và là đất thổ cư. Toàn bộ diện tích bao gồm cả phần ao đó là do cụ thân sinh ra ông Hoằng bán lại cho gia đình ông Nguyễn Văn Tiến từ năm 1974. Việc xã vẽ riêng phần ao và không cho ông Tiến sở hữu là sai”.

Thế nhưng, năm 2001, xã lập lại bản đồ địa chính, vẽ thửa đất thực tế nhà ông Tiến thành hai thửa khác nhau, chú thích thành thửa Ao 485, diện tích 88m2 và thửa đất T486, diện tích 265m2. Đúng ra cả hai thửa đất và ao này đều thuộc sở hữu của ông Tiến, nhưng không hiểu tại sao hồ sơ mà ông Đặng Văn Thảnh, ông Nguyễn Tiến Mừng và nay là ông Nguyễn Văn Đức đều khẳng định ông Tiến chỉ sở hữu thửa số 486? Vậy thửa Ao số 485 với diện tích 88m2 thuộc quyền sở hữu của ai? Và việc chia cắt diện tích đất thực tế nhà ông Nguyễn Văn Tiến ra thành nhiều thửa, sau đó cố tình lập hồ sơ đất của ông Tiến chỉ có một thửa 265m2 là có ý đồ gì?

Dư luận nêu một số lý do cho hành vi này: Thứ nhất xã cố tình làm thiếu diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD đất) của dân để có cớ đưa số đất đó vào diện vô chủ (quy chủ sở hữu vào diện lấn chiếm), sau khỏi phải đền bù chỗ đất đó nếu có dự án hoặc hợp thức 88m2 đó cho các cá nhân khác; thứ hai, xã cố tình làm thiếu diện tích đất cấp giấy CNQSD đất, để dư ra phôi sổ đỏ nhằm hợp thức diện tích không thuộc diện được cấp CNQSD đất trên địa bàn (?).

Theo quy định, tại Điều 50, Luật Đất đai 2003 về việc cấp giấy CNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất thì đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, được xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất sẽ được cấp giấy CNQSD đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Căn cứ vào qui định này thì toàn bộ diện tích khoảng 350 m2 ( bao gồm thửa Ao 485 và T486) của ông Nguyễn Văn Tiến thuộc diện được xét cấp sổ đỏ và không phải nộp tiền sử dụng đất. Việc UBND xã Đại Đồng khẳng định ông Tiến chỉ được sở hữu thửa số T486 (265m2) và chỉ được di chúc số đất này là sai!

Rắc rối từ phí trước bạ

Thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Lâm cho biết, đã cấp giấy CNQSD đất cho ông Nguyễn Văn Tiến và nhiều hộ dân ở thôn Văn Ổ, xã Đại Đồng từ năm 2007 theo hồ sơ của xã, nhưng chưa giao sổ vì ông Tiến chưa nộp lệ phí trước bạ. Trong khi đó, từ năm 2007 đến nay, ông Nguyễn Văn Tiến và người dân ở xã Đại Đồng chưa hề nhận được bất kỳ thông báo nào của UBND về việc nộp lệ phí trước bạ, lấy giấy CNQSD đất.

Theo quy định tại Điều 50, Luật Đất đai 2003 về việc cấp giấy CNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất thì đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, được xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất sẽ được cấp giấy CNQSD đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Như vậy toàn bộ diện tích khoảng 350m2 ( bao gồm thửa số 485 và 486 của gia đình ông Tiến đều thuộc diện được cấp giấy CNQSD đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Vậy việc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nêu lý do vì ông Tiến chưa nộp thuế trước bạ nên chưa bàn giao liệu có thuyết phục?

Ông Hoằng xem trích lục bản đồ, nói: “Việc xã vẽ riêng phần ao và không cho ông Tiến sở hữu là sai” .


Nếu đúng thực tế Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình có đủ điều kiện như ông Tiến, tại sao UBND xã Đại Đồng lại không thông báo về việc đi nộp thuế trước bạ, cũng như hướng dẫn người dân thủ tục nhận sổ đỏ? Từ đó đến nay đã 4 năm, số sổ đỏ đó vẫn nằm trên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện hằng năm lại không có thông báo nhắc nhở các gia đình cũng như hướng dẫn cách thức lấy giấy CNQSD đất? Thậm chí đầu tháng 8/2011, khi gia đình ông Nguyễn Văn Tiến lên UBND xã Đại Đồng làm di chúc, đích thân ông Nguyễn Tiến Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, ông Đặng Văn Thảnh, cán bộ địa chính vẫn nói chưa có sổ đỏ và chỉ có hồ sơ trích lục.

Từ sự việc ông Nguyễn Văn Tiến lập di chúc, đã phát hiện sai trái trong việc xã cố ý lập hồ sơ đất của ông Tiến sai với thực tế; và cũng từ đó mới biết được rằng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã gửi danh sách các hộ gia đình thuộc địa bàn xã Đại Đồng được cấp giấy CNQSD đất từ năm 2007 về UBND xã. Tuy nhiên, xã đã “ém” thông tin vì mục đích gì thì không ai rõ?

Đề nghị chính quyền xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm và tỉnh Hưng Yên làm rõ vấn đề cố tình lập trích lục bản đồ, vào tên hồ sơ sở hữu đất sai với thực tế, thực hiện cấp giấy CNQDS đất theo diện tích đất thực tế cho gia đình ông Nguyễn Văn Tiến cũng như thông tin đầy dủ về việc cấp giấy CNQSD đất cho người dân trong xã.

Nhóm PV