12:06 15/12/2016

Việt Nam xác lập chủ quyền từ rất lâu đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Có thể khẳng định triều Nguyễn là triều đại đã vẽ nên một hình thể lãnh thổ đất nước thống nhất từ đất liền đến biển đảo, để có một nước Việt Nam hoàn chỉnh hiện nay.

1.500 sinh viên tại Nha Trang, Khánh Hòa xếp hình bản đồ Việt Nam lớn nhất và chính thức được ghi nhận đây là kỷ lục Guinness Việt Nam. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Tại hội thảo "Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử" mới diễn ra tại Huế, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc phân tích: Trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, năm 1816 có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây là thời điểm nhà Nguyễn đưa thủy quân chính quy trực tiếp quản lý và bảo vệ chủ quyền các quần đảo ở Biển Đông. Đến đây, chức năng bảo vệ biển đảo bắt đầu chuyển dần từ các đội Hoàng Sa, Bắc Hải sang đội Thủy quân.

Thực ra, việc thực thi chủ quyền quốc gia đối với các hải đảo là hoạt động được triều Nguyễn tiến hành thường xuyên và liên tục, là sự kế tục sự nghiệp của các triều đại trước. Tuy nhiên, có thể khẳng định, triều Nguyễn là triều đại đã vẽ nên một hình thể lãnh thổ đất nước thống nhất từ đất liền đến biển, đảo để có một nước Việt Nam hoàn chỉnh hiện nay.

Một bằng chứng mới được phát hiện ở đình làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc. Thừa Thiên - Huế), hiện còn là nơi lưu giữ văn bản liên quan Hoàng Sa được lập cách đây 250 năm, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Theo ông Trần Văn Luyến, Bí thư Đảng uỷ xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, văn bản liên quan Hoàng Sa nói trên có nội dung xử lý việc kiện tụng của phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang) và làng Mỹ Lợi, lập ngày 19/9 năm Cảnh Hưng 20 (6/11/1759) về việc tranh chấp giữa hai làng liên quan đến một con thuyền và tiền trợ cấp cho đội thuyền phục vụ Hoàng Sa. Nội dung văn bản này cho thấy cách đây 250 năm, nhà Nguyễn đã có quân trấn giữ quần đảo Hoàng Sa.

Văn bản liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở làng Mỹ Lợi đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bàn giao cho Bộ Ngoại giao để bổ sung thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

Khẳng định Triều Nguyễn xác lập chủ quyền của nước ta đối với biển, đảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Các vua triều Nguyễn bấy giờ đã xác lập và khẳng định chủ quyền của nước ta đối với biển, đảo Tổ quốc. Bằng chứng là ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa là do Cai đội Phạm Văn Nguyên cùng lính và phu dân hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây dựng.

Tháng 6 âm lịch năm Ất Mùi niên hiệu Minh Mạng 16 (năm 1835), sách Đại Nam thực lục chép rằng: “Dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía Bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than thạch. Năm ngoái, vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai Cai đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu. Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mươi ngày làm xong rồi về”.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, trong một nghiên cứu mới nhất về chủ quyền biển đảo qua các tư liệu xác thực dưới triều Nguyễn như châu bản và các bộ chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí… chứng minh cho việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn đối với biển, đảo từ giai đoạn (1802 - 1945).

Ông Phan Thanh Hải cho biết, Việt Nam là một quốc gia gắn liền với biển do địa thế đặc biệt là nằm kề cận Biển Đông, nhìn mặt ra Thái Bình Dương với quá nửa đường biên giới giáp biển. Đáng chú ý, triều Nguyễn được thành lập năm 1802, nhưng trước đó hơn 200 năm, kể từ năm 1558, các đời chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi, bao gồm toàn bộ đất miền Nam và vùng biển đảo phía Nam và Tây Nam của Tổ Quốc. Quá trình đấu tranh để khôi phục và thống nhất đất nước của vị hoàng đế đầu triều Nguyễn - Vua Gia Long cũng gắn liền với các hoạt động trên biển đảo.

Vì vậy, các vua triều Nguyễn đều ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của biển đảo đối với việc bảo vệ đất nước, mở mang giao thông, phát triển kinh tế và khai thác các nguồn lợi từ biển, đảo. Dưới thời Nguyễn, khu vực biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập từ bắc chí nam, tương đương với khu vực biển đảo của chúng ta hiện nay, đó là vùng biển từ Quảng Yên (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) với các đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa.

Riêng đảo Hoàng Sa có trạm khí tượng của Việt Nam hoạt động từ năm 1938 - 1947, được tổ chức khí tượng quốc tế đặt số hiệu 48-860 (số 48 chỉ khu vực Việt Nam). Dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938 thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1961 gọi là xã Định Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Năm 1982 chính phủ ta quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Nay trở thành huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.

Năm 1956, Trung Quốc chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Tháng 1/1974, trong lúc quân và dân ta đang tập trung sức tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung Quốc đã đem quân ra đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Như vậy, việc sử dụng, khai thác biển ở quần đảo Hoàng Sa là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa càng được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào. Người Pháp cũng đã cho xây dựng các đài khí tượng, trạm quan trắc và cắt đặt lính đồn trú trên các đảo.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An cho biết, các vua triều Nguyễn bấy giờ đã xác lập và khẳng định chủ quyền của nước ta đối với biển đảo Tổ quốc bằng việc huy động một lực lượng lớn bao gồm quan chức của các cơ quan Trung ương Nội các, Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Giám thành Khâm thiên giám, thủy sư... phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn luỹ, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết.

Ông Phan Thuận An cũng là người sở hữu hai tờ châu bản về Hoàng Sa (đã hiến tặng cho Bộ Ngoại giao) có nội dung khẳng định triều đình nhà Nguyễn thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, góp thêm bằng chứng lịch sử để đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Tờ châu bản thứ nhất đề ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3/2/1939) truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa qua đời do bệnh nặng trong quá trình công tác tại Hoàng Sa.

Tờ châu bản thứ hai có chữ ký và ngự phê của vua Bảo Đại, nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tờ Châu bản được viết trên một mặt giấy cỡ 21,5 x 31 cm ghi lại sự kiện: "Vào ngày 10/2/1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn ở miền núi và có công trong việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa. Đến ngày 15/2/1939, vua Bảo Đại đã phê "Chuẩn y" (đồng ý cho thi hành).

Quốc Việt (TTXVN)