12:09 11/12/2012

Việt Nam tự tin vào chính sách, biện pháp điều hành nền kinh tế

Sáng 10/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã đồng chủ trì Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam với chủ đề “Tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững”.

Cam kết viện trợ gần 6,5 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam


Sáng 10/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã đồng chủ trì Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam với chủ đề “Tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững”.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam.

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với sự hỗ trợ quý báu của các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam thời gian qua và cho biết, Việt Nam bước vào năm 2012 trong bối cảnh trao đổi thương mại và tăng trưởng toàn cầu đều giảm; nền kinh tế của nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Trong nước phải đối phó với lạm phát cao, tín dụng tăng trưởng thấp, sản xuất của các doanh nghiệp sụt giảm... Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đến cuối năm 2012 đã có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 5,2%; lạm phát đã được kiềm chế, dự kiến lạm phát cả năm ở mức khoảng 7,5%; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được đảm bảo do thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội...


Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và tồn tại, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô và kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc; do nguồn lực có hạn nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và cải cách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu; việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều...


Các khó khăn, thách thức nêu trên đòi hỏi Chính phủ phải điều hành linh hoạt, hiệu quả hơn, một mặt tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, mặt khác phải tích cực chuẩn bị các điều kiện đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2013 và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.


Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2013, Chính phủ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; từng bước nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh tế, xã hội để thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển. Tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục cho công dân và doanh nghiệp; kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực, Việt Nam trải qua năm 2012 với rất nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm, sự nỗ lực, sáng tạo của mình và sự giúp đỡ quý báu của các nhà tài trợ, Việt Nam đã giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và nền kinh tế đạt tăng trưởng trên 5%. Việt Nam tự tin vào những chính sách, biện pháp điều hành của mình, bước vào năm 2013 với quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin vững chắc sẽ vượt qua thách thức, đạt kết quả phát triển cao hơn, tạo đà cho phát triển bền vững thời gian tới.


Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành và hợp tác với Việt Nam trên chặng đường phát triển.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để cải thiện tình hình thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, cải thiện phương thức đối thoại sao cho hiệu quả hơn.


Cũng trong phát biểu khai mạc hội nghị, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh: “Với tư cách là những đối tác phát triển, chúng tôi đánh giá cao cơ hội được đối thoại với Chính phủ về những vấn đề phát triển của Việt Nam. Chúng tôi khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình hợp tác và phát triển và sẽ đề cập đến những vấn đề liên quan tới sự phát triển của Việt Nam với tất cả sự chân thành và tinh thần trách nhiệm cao”.


lChiều 10/12, tại Hà Nội, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam đã kết thúc với sự tham gia đông đảo của đại diện các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đại diện các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.


Tại phiên bế mạc, đánh giá cao và cảm ơn sự giúp đỡ của các đối tác phát triển đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Tổng số vốn ODA các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam năm 2013 đạt 6,485 tỷ USD (giảm gần 1 tỷ USD so với năm 2012). Năm 2013 dự báo vẫn là một năm khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các quốc gia viện trợ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mong muốn cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho Việt Nam vì đây vẫn sẽ là một nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và đầu tư phát triển. Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để cải thiện tình hình thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, cải tiến phương thức đối thoại sao cho hiệu quả hơn.


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết: Năm 2013, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ chuyển đổi bằng một diễn đàn mới có tên gọi “Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam” (gọi tắt là VDPF) do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì. Diễn đàn mới này sẽ phản ánh tốt hơn nhu cầu của Việt Nam với tư cách là một nước có thu nhập trung bình và đồng thời cũng phản ánh thực tế phát triển của quan hệ đối tác.

 

TTN