12:07 07/12/2011

Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA

Với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2011 đã khai mạc sáng 6/12, tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì hội nghị.

Với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2011 đã khai mạc sáng 6/12, tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại diện các nhà tài trợ, các đại sứ tại Việt Nam, tổ chức song phương và đa phương, các tổ chức phi chính phủ, đại diện các bộ, ngành tham dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm nay tổ chức trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp. Thâm hụt ngân sách và khủng hoảng nợ công, những bất ổn về chính trị, xã hội và thiên tai làm cho tình hình thế giới tăng trưởng chậm lại và đang đứng trước những thách thức mới trong phát triển.

Để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ đã quyết định tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhưng linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ, tín dụng với chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời tập trung nguồn lực đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế. Trước mắt, trong năm 2012 tập trung vào 3 lĩnh vực là tái cơ cấu đầu tư mà trước hết là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính.

Đồng chủ trì hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, năm 2011 là một năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam, nhưng cũng là năm ghi nhận những thành công của Việt Nam trong xử lý, điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát… Bà Victoria Kwakwa cho rằng là một quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ cả mặt tích cực và tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, điều quan trọng là Việt Nam cần có các giải pháp hiệu quả trong tái cấu trúc kinh tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các đối tác phát triển của Việt Nam như đại diện của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; EU, nhóm G4 (Canađa, Thụy sĩ, Na Uy và Niu Dilân); Đại sứ các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia… đều cho rằng những kết quả mà Việt Nam đạt được gần đây trong phát triển kinh tế - xã hội là rất đáng trân trọng, nhất là những kết quả trong ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã củng cố và tạo được niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các đối tác phát triển cũng cho rằng, những giải pháp mà Việt Nam đề ra trong tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó trọng tâm tập trung vào tái cấu trúc đầu tư, doanh nghiệp, thị trường tài chính là rất khả thi, đây là sáng kiến của Việt Nam trước bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, xây dựng một mô hình tăng trưởng mới và điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2011, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2012 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô mà trọng tâm là kiểm soát lạm phát (9%), bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, cải thiện cán cân thanh toán, duy trì tăng trưởng GDP khoảng 6% và giảm bội chi ngân sách được xác định là nền tảng quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư mà trước hết là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là yêu cầu của phát triển bền vững. Theo đó, phấn đấu mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, tạo khoảng 1,6 triệu việc làm mới/năm; có chính sách và giải pháp phù hợp để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch trong các hoạt động kinh tế, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực, giúp nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, đồng thời cam kết sẽ sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác.

Thiện Thuật