06:22 12/06/2019

Việt Nam - tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị Điện gió Việt Nam lần thứ 2, ngày 12/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Ireland đồng tổ chức Hội nghị điện gió ngoài khơi.

Phát biểu khai mạc, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Đỗ Hồng Quân cho biết: Để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện năng. Việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược, góp phần đa dạng hóa, tự chủ nguồn cung, đáp ứng nhu cầu, bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, mục tiêu của Hội nghị nhằm chia sẻ các thông tin và cập nhập những công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực năng lượng ngoài khơi trên toàn cầu và đưa ra phân tích về các thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong việc phát triển năng lượng ngoài khơi; đồng thời đưa ra giải pháp, khuyến nghị để có những chính sách phù hợp phát triển bền vững năng lượng tái tạo trong tương lai. 

Chi phí lưu trữ và truyền tải điện giảm

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển cánh đồng điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam, ông Bernard Casey, Giám đốc Phát triển Việt Nam, Công ty Mainstream Renewable Power (Ireland) cho rằng năm 2016, Công ty Mainstream Renewable Power đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Phú Cường về dự án điện gió công suất 800MW tại Sóc Trăng trị giá 2 tỉ đô la Mỹ. Dự án Điện gió Phú Cường nằm ở khu vực bãi bồi ven biển tỉnh Sóc Trăng, có quy mô công suất lên đến 800 MW. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án có công suất 150-200MW sẽ hoàn thành thu xếp tài chính vào năm 2018. Trong quá trình thực hiện, Công ty đã sử dụng các dữ liệu đo gió trong 4 năm liền, xác định các tọa độ khảo sát kỹ thuật, khảo sát tìm vật chưa nổ (bom mìn) ở Việt Nam; đồng thời đã tiến hành đánh giá môi trường xã hội cũng như đánh giá tác động môi trường của Việt Nam; đánh giá mức thấp nhất của cánh quạt tránh ảnh hưởng đường bay của các loài dơi, chim. Bên cạnh đó, Công ty đã xem xét 2 giải pháp chính đó là nền tảng kết cấu hệ neo bằng thép (dây neo, vật nặng và neo), kết cấu móng (chân đế, tháp trụ). Sau đó, tiến hành quy hoạch đấu thầu, kết thúc đóng tài chính, tính toán một số đường kính của tua bin, cánh quạt....

Phân tích khía cạnh sẵn có và thích hợp của tàu bè phục vụ cho lắp đặt các dự án cánh đồng điện gió ngoài khơi, ông Ivan Chia, chuyên gia tư vấn của Tập đoàn Energy & Resources tại HFW cho biết: Về mặt kỹ thuật xây dựng và môi trường, điện gió ngoài khơi cũng cạnh tranh hơn các loại điện khác. Cụ thể, việc vận chuyển, lắp dựng các tua bin lớn (giảm chi phí sản xuất điện quy dẫn) dễ dàng bằng tàu/sà lan. Những tua bin lớn như 9 MW có cánh dài 80 m, 12 MW có cánh dài 107 m, việc vận chuyển trên đất liền gần như là bất khả thi, nhưng sẽ dễ dàng trên biển. Tương tự về mặt môi trường, phát thải CO2 của điện gió ngoài khơi là thấp nhất trong các dạng năng lượng, chỉ 16g CO2/kWhe). Trong khi thủy điện là 28g CO2/kWhe, hạt nhân 33g CO2/kWhe, điện khí gas 450g CO2/kWhe, và điện than 1.050g CO2/kWhe. Thêm vào đó, mô hình điện gió ngoài khơi hầu như không gây ảnh hưởng đến đời sống con người bởi tiếng ồn trong quá trình lắp dựng, vận hành, cản trở tầm nhìn, nhất là điện gió ngoài khơi hiện đại thường cách bờ trên 10 km.

Với tàu chuyên dụng để lắp đặt phục vụ cho các mục đích và dự án khác nhau thì giá thuê và mua rất đắt nên phải có cam kết chặt chẽ giữa các bên trong hợp đồng.. Ngoài ra, quá trình ký kết hợp đồng cần phân biệt các mô hình tổng thầu truyền thống với mô hình thuê các tàu, có sự phối kết hợp, đàm phán giữa các bên liên quan để giảm chi phí; thảo luận các chính sách, xem xét điều chỉnh các tàu có nguồn vốn ngân hàng.

Mặc dù vậy, ông Ivan Chia cũng lưu ý với điều kiện gió và địa hình biển ở Việt Nam, các trang trại gió cách bờ trên 20 km sẽ có lợi về kinh tế hơn so với ven bờ. Chi phí cho bảo dưỡng, sửa chữa tua bin, cáp trên biển lớn hơn nhiều so với trên đất liền nên để giảm thiểu các chi phí này, ngay từ giai đoạn lập dự án cần lưu ý dùng tua bin tốt, có uy tín, xây dựng trang trại gió lớn (500 MW trở lên) để có thể tạo thành chuỗi dịch vụ nhằm giảm chi phí bảo dưỡng.

Lựa chọn những công nghệ tiên tiến nhất

Nhằm tối ưu hóa các vườn năng lượng điện gió và sử dụng các công cụ, phương thức gió tiên tiến có thể nâng cao khả năng thực hiện dự án cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần tập trung phát triển, ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong ngành điện gió ngoài khơi.

Theo ông Andreas Waern Madsen, Quản lý thâm nhập thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty MHI Vetas (Đan Mạch), Công ty MHI Vestas đã có kinh nghiệm 20 năm chế tạo tua bin gió ngoài khơi và năm 2016 đã phát triển thế hệ tua bin gió lớn hơn tại Đan Mạch và Anh. Đối với Việt Nam, cần lựa chọn tua bin phù hợp đối với địa điểm cụ thể, tiến hành triển khai lắp đặt một cách phù hợp. Việc lựa chọn loại tổ hợp tua bin nổi cho điện gió ngoài khơi dựa vào vị trí lắp đặt và các điều kiện làm việc như độ sâu đáy biển, các yếu tố môi trường như: vận tốc gió, sóng biển và thủy triều, khoảng cách tới bờ, và các đặc tính của đáy biển…

Với mô hình điện gió ngoài khơi, ưu điểm đầu tiên và lớn nhất là gió ngoài khơi mạnh vào ban ngày, thường phù hợp với nhu cầu điện. Vì vậy, chi phí cho lưu trữ và truyền tải điện gió ngoài khơi sẽ giảm thiểu hơn, đồng thời điện sa thải cũng thấp hơn. Điều này đã làm giảm khó khăn lớn nhất trong phát triển năng lượng tái tạo là điện nền (thường phải dùng điện khí, điện than, hoặc một phần thủy điện). Bên cạnh đó, gió ngoài khơi ổn định hơn và hệ số công suất cao hơn, có thể đạt 40 - 50% làm giảm chi phí sản xuất điện, tăng tuổi thọ hệ thống cơ khí, kết cấu... Điều quan trọng góp phần đưa dự án được tài trợ thành công chính là cần có nhóm cán bộ, nhân sự tốt để thiết kế ý tưởng dự án tốt; lựa chọn tư vấn tốt nhất về pháp lý, tài chính; kêu gọi của các cơ quan đa phương....

Ông Gregory Erdmann, Phó Chủ tịch kinh doanh toàn cầu Tập đoàn NRG System (Hungary) chia sẻ, với công nghệ Lidar của NRG System sẽ dễ dàng triển khai và chụp các phép đo gió trên bờ từ 10 - 200 m; thu thập dữ liệu 1 giây được kiểm soát chất lượng trong thời gian thực và có giao diện thân thiện với người dùng, đảm bảo điều hướng và cấu hình đơn giản. Đây là một giải pháp viễn thám hoàn chỉnh, cụ thể có nguồn điện từ xa và các dịch vụ tích hợp để cài đặt, vận hành liền mạch; đồng thời công nghệ này được hỗ trợ dịch vụ, kỹ thuật và thời gian bảo hành 3 năm của NRG. Hiện tại một số hãng khác trên thế giới cũng đang thực hiện các dự án để chế tạo tua bin gió với công suất lên đến 10MW.

Diệu Thúy (TTXVN)