01:14 25/01/2018

Việt Nam sản xuất giày dép thứ 3, xuất khẩu thứ 2 thế giới

Trong khi xuất khẩu giày dép thế giới có xu hướng đi xuống thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, giá trị chỉ xếp sau Trung Quốc và có thể đạt 20 tỷ USD trong năm 2018.

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), tổng sản lượng giày dép sản xuất trên thế giới trong năm 2017 là 23 tỷ đôi. Trong đó, châu Á là "công xưởng" của thế giới với tỷ lệ áp đảo (87%). Các khu vực khác chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Trung Quốc là nước sản xuất nhiều giày nhất thế giới với hơn 13 tỷ đôi, theo sau là Ấn Độ (2,2 tỷ đôi) và Việt Nam (1,1 tỷ đôi). Tuy nhiên, về xuất khẩu thì Việt Nam đứng thứ 2 (hơn 1 tỷ đôi), chỉ sau Trung Quốc (9,3 tỷ đôi).

"Điều đáng lưu ý là Việt Nam còn xuất khẩu ngược giày dép vào thị trường Trung Quốc, với tỷ lệ chiếm tới 7,9% tổng kim ngạch xuất khẩu", bà bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Lefaso nhấn mạnh.

Xuất khẩu giày dép trên thế giới có xu hướng đi xuống trong mấy năm gần đây.


Về thị trường tiêu thụ, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ lần lượt là những nơi tiêu thụ giày dép nhiều nhất trên thế giới.

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 18 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2016. Trái với dự báo và tình trạng ảm đạm của năm trước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sôi động trong cả năm.

Xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam liên tục tăng.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Năm 2018, toàn ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 19,5 – 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Xuất khẩu giày dép tiếp tục đứng thứ 4 và túi, cặp đứng thứ 10 trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này không đơn giản. Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động, nhất là từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và có những thay đổi chính sách thương mại quốc tế theo chiều hướng bảo hộ hàng hóa nội địa.

Các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành.

Ngành da giày trong nước tuy có nhiều thành tựu nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững. Doanh thu của ngành chủ yếu trong tay các doanh nghiệp FDI và có xu hướng tăng dần trong mấy năm gần đây. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn 75% gặp khó khăn trong đầu tư, nhất là áp dụng tự động hóa. Lương tối thiểu vùng tăng lên cũng tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặt khác, da giày Việt Nam còn phải chịu cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu mới nổi như Cambodia, Myanmar, Bangladesh, Indonesia...

Trước những thách thức này, theo Lefaso, doanh nghiệp cần dịch chuyển về những vùng có giá lao động và chi phí thấp như đồng bằng sông Cửu Long; phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuyển hướng sang làm các sản phẩm có giá trị cao.
Sự dịch chuyển lao động ngành da giày từ khu vực Đông Nam Bộ về khu vực Tây Nam Bộ.


Hiện nay, giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam gấp 1,7 lần giá trung bình thế giới. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, giá xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn Trung Quốc và đây là xu hướng đúng đắn. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp không chạy theo làm hàng gia công giá thấp mà đã đi vào những phân khúc cao hơn.

Ông Thuấn đề nghị, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, giúp tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

Hoàng Dương/Báo Tin tức