05:15 09/05/2017

Việt Nam phải nhập ngoại trên 90% tôm giống thẻ chân trắng

Sáng 9/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và cung ứng tôm giống” với sự tham gia của ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và ông Lê Anh Xuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty N.G Vietnam.

Tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, về mặt quản lý và khoa học, ngành tôm có thể trở thành ngành mũi nhọn của đất nước với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025.

Tôm bố mẹ được sử dụng tại một hộ nuôi tôm càng xanh giống ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Với thực trạng ngành tôm sản xuất hiện còn manh mún, khâu liên kết chuỗi, cung ứng con giống còn nhiều hạn chế; giá thành sản xuất tôm so với các nước trong khu vực cao, chưa kể xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước có tác động bất lợi cho con tôm. Vậy, vấn đề đặt ra là các ngành chức năng liên quan sẽ có giải pháp gì để mục tiêu đưa con tôm trở thành sản phẩm chủ lực như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Trần Đình Luân, trong những năm gần đây, thị trường tôm giống tăng trưởng rất nhanh và hiện có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất tôm giống. Đối với tôm thẻ chân trắng hiện có khoảng 566 cơ sở và trên 1.300 cơ sở sản xuất tôm sú giống. Các cơ sở sản xuất tôm giống này có công suất đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường hiện nay. Đáng lưu ý, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất tôm giống không đạt chất lượng.

Tuy nhiên, đối với tôm giống thẻ chân trắng hiện Việt Nam vẫn phải nhập ngoại trên 90%. Còn đối với tôm sú giống vẫn phụ thuộc vào nguồn khai thác, đánh bắt tự nhiên.

Để chủ động được nguồn tôm giống, theo ông Luân, cách đây nhiều năm, ngành nông nghiệp đã có nhiều chương trình đề tài nghiên cứu chọn lọc, nhằm chủ động được nguồn tôm giống bố, mẹ. Đến nay, Việt Nam đã chủ động được một phần tôm giống bố, mẹ. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chọn, tạo tôm giống để cung ứng cho thị trường trong nước.

Liên quan đến các rào cản, hạn chế năng lực cung ứng nguồn tôm giống của các cơ sở sản xuất tôm giống trong nước, ông Lê Anh Xuân cho rằng, mặc dù số lượng cơ sản xuất tôm giống của nước ta đủ về mặt số lượng nhưng lại hạn chế về mặt chất lượng. Điều này, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành tôm.

Bên cạnh đó, khâu tổ chức sản xuất của các cơ sở này đều có hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật chưa tốt. Điều này dẫn đến việc chưa đủ điều kiện sản xuất tôm giống an toàn sinh học, đáp ứng quy mô nuôi trồng lớn.

Để giúp người dân chọn lọc được tôm giống bố, mẹ đúng cách, đạt tiêu chuẩn, ông Xuân cho rằng, tôm bố, mẹ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải thể hiện tốc độ tăng trưởng nhanh và hạn chế được dịch bệnh...

Tuy nhiên, thực tế, chất lượng tôm giống trên thị trường hiện không đồng đều, giá cả mỗi nơi một kiểu. Do đó, ông Xuân khuyến cáo bà con nên chọn mua tôm giống từ các cơ sở có uy tín. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, ông Xuân kiến nghị cần tăng cường, thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất tôm giống, bởi hiện đã có đầy đủ công nghệ để kiểm tra.

Đồng quan điểm này, ông Trần Đình Luân bổ sung, hiện người nuôi nhỏ lẻ vẫn khó tiếp cận được với các cơ sở tôm giống có uy tín. Chẳng hạn, một hộ nuôi nhỏ ở tỉnh Cà Mau không thể ra tận Bình Thuận để mua tôm giống. Do đó, để giải quyết vấn đề này ông Luân cho rằng, cần phải tổ chức lại sản xuất, liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã... giúp giảm chi phí đầu vào.

Sau khi tiếp cận được tôm giống chất lượng thì khâu chăm sóc để tôm phát triển sinh trưởng tốt cũng là yêu cầu quan trọng. Vấn đề này ông Lê Anh Xuân cho biết, người nuôi cần phải tuân thủ chặt chẽ 5 yếu tố quan trọng.

Đầu tiên, là nguồn tôm bố, mẹ phải tốt, đảm bảo sản xuất giống; trại giống phải đảm bảo điều kiện an toàn sinh học; nguồn nước phục vụ trước, trong và sau quá trình sản xuất giống được xử lý, tránh ô nhiễm. Cuối cùng là thức ăn có chất lượng cao và không sử dụng kháng sinh trong quy trình nuôi.

Thực tế, giá nguyên liệu đầu vào cao, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đang là những lo lắng của người dân nuôi tôm. Vấn đề này ông Trần Đình Luân cho hay, đối với doanh nghiệp lớn thì không vấn đề gì, nhưng đối với các vùng nuôi nhỏ lẻ sẽ làm giá thành lại tương đối cao.
 
Để tôm giống từ nhà máy đến tay người nuôi phải qua 2 - 3 khâu đại lý, từ đó dẫn đến giá thành sẽ tăng. Khắc phục hạn chế này, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tổ chức lại sản xuất, đồng thời đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Thành Trung (TTXVN)