08:07 04/08/2018

Việt Nam - Nhật Bản ký ghi nhớ về tiếp nhận thực tập sinh ngành hộ lý

Thực tập sinh hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc sẽ được đào tạo miễn phí tiếng Nhật và chuyên môn.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp (thứ 6 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm trong buổi ký kết biên bản ghi nhớ (MOC).

Đây là một trong các nội dung quan trọng của bản ghi nhớ (MOC) về việc triển khai tiếp nhận thực tập sinh ngành hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản được ký ngày 3/8 giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam ký với Cục Phúc lợi xã hội và Nạn nhân chiến tranh, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Theo MOC này, phía nghiệp đoàn Nhật Bản phải chi trả tiền học phí đào tạo tiếng Nhật cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh đảm bảo đáp ứng quy định của Nhật Bản cho công ty phái cử. Thực tập sinh tham gia chương trình không phải chi trả học phí đào tạo tiếng Nhật trình độ N4 trước khi xuất cảnh.

Chú thích ảnh
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam trao Bản ghi nhớ (MOC) cho Đại diện Cục Phúc lợi xã hội và Nạn nhân chiến tranh, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

Ngoài ra, các nghiệp đoàn giám sát và tổ chức tiếp nhận Nhật Bản phải chịu trách nhiệm đào tạo tiếng Nhật và chuyên môn hộ lý để thực tập sinh thi đỗ kỳ thi chuyển giai đoạn sau 1 năm thực tập đầu tiên. Các nghiệp đoàn giám sát cũng phải chi trả phí quản lý phái cử cho doanh nghiệp phái cử trong suốt thời gian thực tập sinh thực tập tại Nhật Bản.

Bản MOC được thống nhất và ký kết lần này nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. Trong bản MOC, hai bên cũng đưa vào các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên công ty phái cử phải đáp ứng khi triển khai chương trình.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, thực tập sinh hộ lý có những đặc thù riêng khác với các ngành nghề khác. Những thực tập sinh hộ lý để đáp ứng công việc tại Nhật Bản phải có kỹ năng trong chăm sóc người già, người bệnh và khả năng giao tiếp tiếng Nhật.

Chú thích ảnh
Đoàn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp (phía bên phải) làm việc với Cục Phúc lợi xã hội và Nạn nhân chiến tranh, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

Để triển khai thành công chương trình này, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã rất nỗ lực trong thời gian qua đồng thời giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước đàm phán với Cục Phúc lợi xã hội và Nạn nhân chiến tranh, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về việc xây dựng các quy định riêng liên quan đến phái cử và tiếp nhận thực tập sinh ngành hộ lý của Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản đảm bảo phù hợp với pháp luật của hai nước.

Thông qua việc khảo sát một số cơ sở chăm sóc sức khỏe có nhu cầu tiếp nhận thực tập sinh hộ lý Việt Nam trong chuyến thăm lần này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tin tưởng việc triển khai chương trình phái cử thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản sẽ đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra.

Việc ký kết MOC cũng nhằm hiện thực hóa quy định mới đối với lao động nước ngoài vừa được Nhật Bản chính thức công bố ngày 29/7 vừa qua. Theo đó, Nhật Bản đã bổ sung ngành hộ lý vào danh mục các ngành nghề được thực tập kỹ năng 3 năm tại nước này, nâng tổng số ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài lên 77 ngành.

Trước áp lực thiếu lao động trầm trọng trong một số lĩnh vực như y tế, nông nghiệp... Nhật Bản đã phải mở rộng thêm danh mục các ngành tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài và kéo dài thời gian thực tập tại nước này từ 3 năm lên 5 năm tùy theo những điều kiện nhất định. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường lao động, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp.

Thành Hữu (P/v TTXVN tại Nhật Bản)