07:00 08/07/2020

Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới; hơn 13.000 người đang cách ly phòng dịch

Tính đến 18 giờ ngày 7/7, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua, hiện còn 13.047 trường hợp đang cách ly phòng dịch COVID-19. Cả nước đã có đã 82 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Việt Nam tập trung nghiên cứu vắc xin phòng virus SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 13.047 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 100; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.628; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 319 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 7/6, Việt Nam có thêm 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là BN336 (38 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong số 27 ca còn lại đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 3 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với vi rút SARS-CoV-2 là 3 ca.

Hiện, BN91 là phi công người Anh đã chính thức được công bố khỏi bệnh do COVID-19. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi cho toàn bộ bệnh nhân quốc tịch nước ngoài (50/50 bệnh nhân) ở Việt Nam mắc COVID-19. Việc Việt Nam tập trung cứu chữa cho các bệnh nhân, nhất là BN91 đã thể hiện tinh thần tất cả bệnh nhân COVID-19 đều được cứu chữa như nhau.

Việt Nam vẫn đang được đánh giá kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy có phát hiện ca mắc mới nhưng đều từ nước ngoài trở về và được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Các chuyên gia nhận định nguy cơ dịch bệnh vẫn còn do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang gia tăng. Chính phủ đã xác định việc vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian dài, có thể tính bằng năm.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đưa hàng trăm công dân ở nước ngoài có nhu cầu về nước. Bên cạnh đó, cũng có hàng trăm người hết thời hạn cách ly trở về địa phương. Cơ quan chức năng đã hướng dẫn, khuyến cáo các công dân khi trở về địa phương cần thông báo cho chính quyền, đồng thời tiếp tục tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà để bảo đảm an toàn, phòng ngừa dịch bệnh.

Chậm một giây làm xét nghiệm sẽ khiến cả nước lo âu

Thời gian qua, công tác xét nghiệm tại các bệnh viện đã góp phần quan trọng nhằm phát hiện chính xác người nghi ngờ nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhân viên Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh miệt mài trong phòng xét nghiệm tìm vi rút SARS-CoV-2. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN.

"Chỉ cần chậm một giây làm xét nghiệm, sẽ khiến cả nước lo âu". Đây là chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19) khi nói về vai trò của hệ thống xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 trong giai đoạn vừa qua, tại lớp tập huấn về cập nhật xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 diễn ra từ ngày 7-9/7, tại Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, trong thời gian qua, công tác xét nghiệm tại các bệnh viện đã góp phần quan trọng nhằm phát hiện chính xác người nghi ngờ nhiễm vi rút SARS-CoV-2; giảm thời gian chờ đợi và bức xúc của người bệnh khi phải chờ lâu.

Nhấn mạnh vai trò của công tác xét nghiệm trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị chia sẻ: Những gia đình có con ở nước ngoài về, họ sẽ rất mong chờ kết quả xét nghiệm. Chúng ta chỉ cần chậm một giây làm xét nghiệm, sẽ khiến cả nước lo âu...

Với quyết tâm đó, ngay trong giai đoạn đầu, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã đề xuất và xây dựng với Hội đồng chuyên môn về xét nghiệm chủng mới của virus Corona (nCoV); xây dựng hướng dẫn tạm thời về xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2; tổ chức chương trình ngoại kiểm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2; theo dõi và xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho người mắc COVID-19 sau khi đủ tiêu chuẩn xuất viện... 

Đến nay, từ 3 phòng xét nghiệm để khẳng định là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang…, Bộ Y tế đã phê duyệt 25 bệnh viện được khẳng định xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét nghiệm, góp phần vào bước đầu đẩy lùi dịch COVID-19 tại Việt Nam. Nhờ đó, thời gian xét nghiệm đã được rút ngắn từ 4 ngày xuống 24 giờ, hiện nay chỉ trong 5 giờ (tính từ thời gian nhận mẫu bệnh phẩm) đã có kết quả xét nghiệm.

Đưa trên 240 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước

Ngày 7/7, các cơ quan chức năng Việt Nam, Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và Hãng Hàng không VietJet đã phối hợp với các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đưa trên 240 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước an toàn.

Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người ốm đau, lao động hết hạn hợp đồng và không có nơi cư trú, sinh viên không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, Hãng hàng không VietJet đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước, đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam ở nước ngoài và phù hợp với năng lực cách ly trong nước.

Vân Sơn/Báo Tin tức