05:07 15/05/2014

Việt Nam không đơn độc

Những ngày đầu tháng 5 này, Biển Đông đã dậy sóng sau hành động sai trái của Trung Quốc, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam...

Những ngày đầu tháng 5 này, Biển Đông đã dậy sóng sau hành động sai trái của Trung Quốc, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động nhiều tàu hộ tống, có hành động khiêu khích các tàu công vụ của Việt Nam đang chấp pháp tại hải phận Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết. Hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Nam, các tổ chức lớn trên thế giới, các nước, giới học giả và truyền thông đã lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.


Thế giới đồng thanh tương ứng


Liên hợp quốc (LHQ) - tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu mà Trung Quốc là một trong thành viên trụ cột - đã lên tiếng trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ.


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

 

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố quan ngại về hành động đơn phương của Trung Quốc ảnh hưởng tới an ninh khu vực. Tuyên bố của liên minh có nhiều nước thành viên là đối tác thân thiện của Bắc Kinh này nêu rõ: “EU lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và tàu Trung Quốc. Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực”.


Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng lần đầu tiên trong sau gần hai thập kỷ (kể từ năm 1995) ra Tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung; khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của ASEAN.


Các nước đồng quan điểm


Trước hành vi ngang ngược, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sự ổn định và an ninh hàng hải này của Trung Quốc, nhiều nước đã thẳng thắn bày tỏ thái độ quan ngại của mình.


Tại châu Á, các nước Nhật Bản, các thành viên ASEAN… khẳng định các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Trung Quốc trên Biển Đông là hành động nguy hiểm, đe dọa an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh cần làm rõ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về những hoạt động hàng hải đang ngày càng gia tăng của nước này ở Biển Đông. Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore nêu rõ mặc dù Trung Quốc coi các cuộc xung đột tại Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan, tuy nhiên quan điểm nhất quán của Singapore và các nước ASEAN khẳng định rằng an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này, do đó ASEAN cần phải có quan điểm (về tình hình hiện nay ở Biển Đông).


Chính giới Mỹ cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về hành động của Trung Quốc khiến căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng những hành động mới nhất của Bắc Kinh là hiếu chiến và đặc biệt gây quan ngại và một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất gần đây “rõ ràng là thách thức của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa”. Các thượng nghị sỹ Mỹ đã ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, hối thúc Thượng viện thông qua nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với tự do giao thông hàng hải trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng cho những hành động mang tính khiêu khích của Trung Quốc.


Dư luận các nước Argentina, Mexico… cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam trong các diễn biến này. Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư phụ trách quan hệ quốc tế Đảng cộng sản Argentina (PCA), Jorge Alberto Kreyness, đã nêu bật sự cần thiết tôn trọng nguyên tắc chung sống hòa bình, luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS 1982 và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng vùng kinh tế đặc quyền và tự do hàng hải trên Biển Đông. Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico Alberto Anaya Gutie Brrez khẳng định “Chân lý lịch sử đứng về phía Việt Nam, luật pháp quốc tế ủng hộ Việt Nam và vấn đề này cần phải thảo luận tại các tổ chức quốc tế trên bình diện đa phương”.


Học giả và truyền thông nhập cuộc


Giới học giả và truyền thông thế giới cũng không đứng ngoài xu thế chung ủng hộ Việt Nam này.


Nhận định về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, ông Taylor Fravel, Giáo sư Chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, nhận định đây là hành động phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh, khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.


Theo Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ông Edward Schwarck, hành động của Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng đối với khu vực và đây có thể là một phần của chiến lược Bắc Kinh đang triển khai nhằm thực hiện những bước đi có lợi, từ đó thúc đẩy việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.


Chia sẻ những quan điểm này là các học giả Italy, Pháp, Đức, Australia, Ấn Độ… cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “cắt lát salami” chiếm dần Biển Đông. Theo các chuyên gia, việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng lực lượng khoảng 80 tàu các loại cho thấy CNOOC đang hành động với động cơ chính trị, thể hiện cách cư xử “hung hăng, thiếu thận trọng” mà không một doanh nghiệp thương mại tư nhân nào thực hiện.


Đáng lưu ý là học giả Trung Quốc cũng phản ứng với hành động của Bắc Kinh, khẳng định Bắc Kinh phải tuân thủ UNCLOS 1982. Trong một bài viết đăng ngày 6/5 tại blog của mình trên trang 163.com, học giả hàng đầu Trung Quốc Lý Lệnh Hoa khẳng định rằng Trung Quốc là nước ký UNCLOS 1982, vì vậy cần hành xử theo điều 74 và điều 83 của Công ước, theo đó tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh.


Việt Nam cũng nhận được sự chia sẻ của truyền thông quốc tế. Nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới như AP (Mỹ), AFP (Pháp), Reuters (Anh), DPA (Đức)... cùng các tờ báo uy tín như New York Times, Wall Street Journal, Deutsch Welles, Straits Times của Singapore.... đã có nhiều bài viết bình luận nhấn mạnh vụ việc này đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang và “sự hung hăng của Trung Quốc là đáng báo động với nhiều nước trong khu vực”. Các báo cũng đánh giá hành vi này của Trung Quốc là “một trong những bước đi khiêu khích nhất” có thể dẫn đến “những xung đột nghiêm trọng hơn”.


Rõ ràng, những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông những ngày qua thực sự là mối nguy cơ đe dọa an ninh hàng hải, ổn định khu vực. Như lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 vừa qua, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Và trong cuộc đấu tranh vì chính nghĩa ấy, Việt Nam không đơn độc.


Hồ Phương