10:20 15/10/2019

Việt Nam được vinh danh tại lễ trao giải Thực tiễn tốt nhất năm 2019 của APEC

Ngày 14/10, tại thành phố Antofagasta của Chile, Tổ chức Sáng kiến Cộng đồng Năng lượng Thông minh (ESCI) thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Thực tiễn tốt nhất năm 2019.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Văn Thành nhận giải của Tổ chức Sáng kiến Cộng đồng Năng lượng Thông minh. 

Theo đó, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Công an đã giành giải Bạc với tác phẩm về mô hình xây dựng thành phố cảng xanh tại Hải Phòng trong hạng mục Mô hình đô thị carbon thấp. 

Ngoài ra còn có 10 tác giả khác được vinh danh trong dịp này trong các lĩnh vực Giao thông thông minh (Smart Transport), Tòa nhà thông minh (Smart Buildings), Lưới điện thông minh (Smart Grids), Công việc và Người tiêu dùng thông minh (Smart Jobs and Consumers).

Đại diện Ban tổ chức cho biết, giải thưởng Thực tiễn Tốt nhất ESCI được tổ chức 2 năm một lần bắt đầu từ năm 2013 với sự tham gia của các dự án năng lượng thông minh trên toàn khu vực 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và được đánh giá là nỗ lực chung của khu vực trong việc phát triển các phương pháp, công nghệ và ứng dụng mới, đồng thời tạo cơ hội khuyến khích nhân rộng các mô hình thực tiễn tốt nhất, tạo điều kiện chia sẻ kiến thức và công nhận để đạt được những thành tựu liên quan đến năng lượng thông minh trong khu vực APEC. Giải thưởng năm nay thu hút 63 bài dự thi đến từ 17 nền kinh tế APEC, trong đó có 25 bài viết lọt vào vòng Chung kết. 

Phát biểu tại lễ trao giải, PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho biết, trong bối cảnh Trái đất đang đứng trước nguy cơ đe doạ sự tồn tại do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tác phẩm về mô hình xây dựng thành phố cảng xanh tại Hải Phòng hướng tới việc xây dựng thành phố như một hệ sinh thái, áp dụng khoa học tư duy hệ thống trong thiết kế quy hoạch, quản lý và phát triển thành phố.

Cùng với đó, “điểm đòn bẩy” kích thích tăng trưởng xanh lấy chính các hoạt động giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu làm động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững; tạo công ăn việc làm xanh hướng tới việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, tăng năng suất lao động đồng thời giảm các tác động đến môi trường; và tạo ra một nền kinh tế vòng chuyền dựa trên những nguyên lý sinh thái, trong đó chất thải từ một qui trình sản xuất/tiêu thụ được chuyển lại thành đầu vào (tái sử dụng) cho một qui trình sản xuất/tiêu thụ tương tự. 

Chú thích ảnh
Các tác giả và đại diện tác giả tại lễ trao giải của Tổ chức Sáng kiến Cộng đồng Năng lượng Thông minh. 

Đề cập đến cách thức để các nền kinh tế APEC có thể áp dụng mô hình đô thị carbon thấp, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, PGS.TS Nguyễn Văn Thành khẳng định cần phải nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, đồng thời chuyển dịch sang mô hình sử dụng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần phải mở rộng hệ thống giao thông công cộng và việc sử dụng năng lượng sinh học, cũng như củng cố hạ tầng tự nhiên của trái đất, kể cả nguồn nước ngọt, rừng, đất và sông hồ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là xu hướng có nguy cơ đe dọa sự tồn tại và phát triển của trái đất, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, các thành phố dù khác nhau về trình độ chính trị, thể chế chính trị nhưng để giải quyết, ứng phó với thách thức này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của nhiều quốc gia, nhiều chủ thể với nhiều giải pháp khác nhau từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh. Ông khẳng định để đạt được mục tiêu duy trì, phát triển nguồn “vốn tự nhiên”, cũng như giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm, suy thoái môi trường thì cần phải phát triển và nhân rộng mô hình thành phố carbon thấp.

Tin, ảnh: Hoài Nam (Pv TTXVN tại Mỹ Latinh)