11:15 26/11/2012

Việt Nam dự Lễ hội ngôn ngữ quốc tế tại Pháp

Trong hai ngày 24 và 25/11, tại thành phố Tours, thành phố miền Trung nước Pháp- cách thủ đô Paris khoảng 250 km - diễn ra Lễ hội ngôn ngữ quốc tế lần thứ 19, với sự tham gia của hơn 50 hiệp hội với 50 gian trưng bày

Trong hai ngày 24 và 25/11, tại thành phố Tours, thành phố miền Trung nước Pháp- cách thủ đô Paris khoảng 250 km - diễn ra Lễ hội ngôn ngữ quốc tế lần thứ 19, với sự tham gia của hơn 50 hiệp hội với 50 gian trưng bày (trong đó có một số gian hàng chung của các nước Bắc Âu)...

 

Đây là lễ hội ngôn ngữ quốc tế do tổ chức Linguafest’37 tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 1995 nhằm hướng tới sự đa dạng văn hóa, đa dạng ngôn ngữ và kết nối các cộng đồng. Đến với lễ hội lần này, khách tham quan có thể khám phá 80 ngôn ngữ khác nhau, tham dự các hội thảo chuyên đề, các hoạt động trưng bày, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống và thưởng thức các món ăn đặc trưng của một số nước.

 

Việt Nam với nòng cốt là Hội Touraine-Việt Nam tham gia Lễ hội ngôn ngữ với hai gian hàng và 3 nội dung. Đó là chiếu film về Tết Nguyên đán ở Việt Nam; Hội thảo về các loai rau thơm và gia vị trong ẩm thực Việt Nam; biểu diễn múa nón Việt Nam với chủ đề "Thương quá Việt Nam", do sinh viên Việt Nam tại Tours biểu diễn. Tiết mục này nhận được sự đón nhận hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả và được yêu cầu biểu diễn lại lần hai vào tối 24/11 (lần đầu lúc 13 giờ 30 chiều cùng ngày) tại lễ hội.

 

Đặc biệt, Hội thảo về rau thơm và gia vị cũng nhận được đánh giá cao và đón nhận sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo đại biểu và khán giả tham gia. Họ rất thích thú khi khám phá về được sự khác lạ của mỗi loại rau thơm và gia vị được sử dụng trong chế biến các món ăn Việt Nam. Khán giả cũng được trực tiếp nếm các loại rau thơm và gia vị Việt Nam.

 

Rau thơm và gia vị Việt Nam được giới thiệu tại hội thảo.

 

Tại lễ hội, mỗi giờ trong hai ngày hội thảo được dành giới thiệu nét đặc trưng của một ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng A rập, tiếng Esperantô, tiếng Việt…, và các lớp học ngoại ngữ cho người lớn, cho trẻ em.

 

Ông Frédéric Thomas, Trưởng ban tổ chức Lễ hội năm nay và Chủ tịch Hội đồng vùng Indre-et-Loire, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ trong thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, văn minh và đoàn kết con người. Ông cho rằng: "Ngôn ngữ không phải là rào cản giữa các dân tộc mà trái lại nó là phương tiện dẫn dắt con người đến với các nền văn hóa khác nhau, đến với hòa bình và tiến bộ của nhân loại". Ngôn ngữ có vai trò quan trọng, không đơn giản chỉ là những gì con người nói và giao tiếp, mà đó thực sự là một phần văn hóa, bản sắc của cộng đồng có ngôn ngữ đó. Ông đánh giá cao sự tham gia phong phú và nhiệt tình của Việt Nam (từ năm 2006) tại lễ hội hàng năm này, đặc biệt vai trò chủ đạo và sự đóng góp nhiệt tình, hiệu quả của các thành viên Hội Touraine-Việt Nam, các bạn sinh viên, học sinh Việt Nam tại thành phố Tours. 

 

Về phần mình, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Chủ tịch Hiệp hội Touraine-Việt Nam Jean Jacques Rousselle, tác giả của sáng kiến tổ chức hội thảo về rau thơm và gia vị Việt Nam, cho biết qua việc trình chiếu phim về Tết cổ truyền Việt Nam, ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt, bạn bè Pháp và quốc tế có thể hiểu Việt Nam một cách sâu sắc hơn trong sự phát triển, với đời sống tình cảm và nhiều phong tục truyền thống đáng quý.

 

Ngoài ra, cũng tại gian hàng ẩm thực Việt Nam tại Lễ hội, khách tham quan có thể được thưởng thức các món ăn cổ truyển của Việt Nam do chính các bạn sinh viên Việt Nam đang học và làm việc tại Tours cùng nhiều người bạn Pháp yêu mến Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Touraine-Việt Nam chế biến, như men, sa lát miến trộn, một số loại bánh…

 

Tâm sự với chúng tôi, Trần Thanh Sơn, nghiên cứu sinh về di truyền trong nông nghiệp tại Viện nghiên cứu nông nghiệp Pháp tại thành phố Tours cho biết, Sơn rất vui khi cùng tham dự Lễ hội ngôn ngữ, qua đó, Sơn cùng các bạn sinh viên Việt Nam khác có thể giới thiệu với bạn bè Pháp về văn hóa, ngôn ngữ và ẩm thực của đất nước mình.

 

 

Lê Hà-Nguyễn Tuyên