05:09 26/05/2014

Việt Nam đủ bằng chứng để thắng kiện Trung Quốc

Đưa việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam ra kiện tại toàn án quốc tế là giải pháp cuối cùng trong đấu tranh hòa bình, đòi lại chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Đưa việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam  ra kiện tại toàn án quốc tế là giải pháp cuối cùng trong đấu tranh hòa bình, đòi lại chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bên lề kỳ họp, Đại biểu Quốc hội, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi với phóng viên Tin tức về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp.


 Xin ông cho biết, Việt Nam đã tính tới việc kiện Trung Quốc ra toàn án quốc tế chưa?

Hiện nay, chúng ta đang huy động mọi biện pháp có thể để bảo vệ chủ quyền, chúng ta đang ưu tiên bảo vệ bằng phương pháp hòa bình. Ngoài việc lên tiếng phản đối, tìm sự ủng hộ từ quốc tế, giải pháp có thể coi như cuối cùng của biện pháp hòa bình là đem ra kiện tại toàn án quốc tế. Chúng ta đã tính tới việc này. Thực tiễn, Philippin đã kiện Trung Quốc rồi,  một số nước khác cũng kiện và thành công. Việt Nam có đầy đủ cơ sở để thắng kiện, hiện chúng ta  đang tập hợp tài liệu, củng cố để đưa ra bằng chứng đầy đủ, vững chắc.

Xin ông cho biết rõ hơn về bằng chứng của Việt Nam?

Khi đem vụ việc ra kiện thì chúng ta phải có chứng cứ. Bằng chứng của Việt Nam là căn cứ vào lịch sử và luật pháp quốc tế. Việt Nam sẽ dựa trên Công ước về biển năm 1982. Trong đó, có quy định sự có mặt hay sự chiếm giữ của một quốc gia với vùng biển đảo gồm: thứ nhất là người tới trước; Thứ hai là sự quản lý liên tục.

Việc Việt Nam bị đứt quãng trong quản lý đối với Hoàng Sa là do Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ bất hợp pháp trong hai sự kiện năm 1974 và 1978.  Đó là trái với luật quốc tế.

Một vấn đề nữa, nói về khoảng cách của thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khu vực Trung Quốc đang đặt giàn khoan nằm trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vì chỉ cách bờ biển của Việt Nam 193 km (120 hải lý). Theo Công ước Luật biển 1982,  rõ ràng giàn khoan này đã nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.

Khi chúng ta nộp báo cáo về thềm lục địa cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) theo Công ước 1982 hoàn toàn phù hợp, Indonesia, Philippines chấp nhận. Sau đó, Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền về đường lưỡi bò với LHQ, nhưng không được nước nào chấp nhận, đa số các nước phản đối.

Theo ông, Trung Quốc sẽ dựa vào lý do gì đề phản ứng lại Việt Nam khi chúng ta đem vụ kiện ra toà án quốc tế?

Trung Quốc sẽ dựa vào hai lý do. Thứ nhất, Trung Quốc cho rằng đây là vùng biển đang tranh chấp. Hơn nữa, họ quan niệm chủ quyền của Việt Nam nằm bên trong đường lưỡi bò mà họ vạch ra. Đường này chỉ cách bờ biển của Việt Nam 21 hải lý, còn lại họ coi đó là vùng biển của họ. Điều đó không thể chấp nhận được.

Lý do thứ hai là: họ nói Hoàng Sa là của họ nên giàn khoan đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Nhưng thực tế, từ gốc của vấn đề này đã không đúng. Theo Công ước biển năm 1982, quần đảo như Hoàng Sa là không áp dụng quy chế vùng đặc quyền kinh tế để tính từ đó cách ra 200 hải lý. Việc tính đó chỉ áp dụng với những quốc gia quần đảo như: Philippines, Indonesia… mới được hưởng quy chế đặc quyền kinh tế cách 200 hải lý.

Như vậy, hai điều Trung Quốc viện dẫn ra hoàn toàn sai trái, cộng thêm việc tự vạch ra đường lưỡi bò hoàn toàn sai nữa. Do vậy, Trung Quốc không có cơ sở để đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển đó. Nếu những vấn đề được đưa ra tranh luận tại toàn án quốc tế thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng thắng kiện.


Hữu Vinh (thực hiện)