10:14 04/10/2018

Việt Nam chuẩn bị sản xuất đại trà vắc xin phòng cúm A/H5N1

Việt Nam chuẩn bị có vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1 là thành công của Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bằng công nghệ trên trứng gà có phôi” do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện.

Chú thích ảnh
Bộ KH&CN  họp báo thường kỳ quý III.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý III do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội.

Theo đó, từ năm 2005, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Y tế, giao Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bằng công nghệ trên trứng gà có phôi”, đến nay vắc xin này đã được nghiên cứu thành công.

Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế- kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho biết: Việc nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh trên người đã được Bộ KH&CN quan tâm từ lâu. Từ năm 2003 khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước tập trung trí tuệ và nguồn lực để nghiên cứu phát triển vắc xin Cúm A/H5N1 phòng bệnh cho người. Năm 2005, Đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bằng công nghệ trên trứng gà có phôi" do Bộ KH&CN giao Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chủ trì đã khởi động việc nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm ở Việt Nam. Dưới sự hỗ trợ của ngân sách KH&CN và sự tài trợ của Quốc tế của các Tổ chức WHO, PATH, BARDA- Hoa kỳ, đến nay vắc xin cúm A(H5N1) đề tài đã đạt kết quả như mong đợi.

Hiện vắc xin cúm A/H5N1 (IVACFLU- A/H5N1) do Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất đã hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đúng quy định của Bộ Y tế, có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức độc lập Quốc tế; được các hội đồng đạo đức cơ sở và hội đồng đạo đức Quốc gia nghiệm thu; Cục KHCN và Đào tạo, Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm lâm sàng, đang hoàn thiện khâu đăng ký lưu hành để đưa sản phẩm ra phục vụ cộng đồng.

Không chỉ vắc xin cúm A/H5N1, từ năm 2014, trong khuôn khổ Chương trình sản phẩm quốc gia, Bộ KH&CN cũng đã phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp”, đến nay nhiệm vụ đã nghiêm thu đạt kết quả xuất sắc.

Bên cạnh những thành tựu trong nghiên cứu vắc xin phòng bệnh ở người, tại buổi họp báo cũng đưa ra thảo luận nhiều vấn đề của ngành KHCN như: Năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Đặc biệt về vấn đề nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cánh mạng 4.0, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy: Để tận dụng thành công cơ hội của cuộc cách mạng cần tập trung cho nguồn nhân lực, đầu tư mạnh trong đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu. Việt Nam cần tập trung vào việc phát triển trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, robotics – cơ điện tử, blockchain…

Với vai trò là đầu mối của Chính phủ trong triển khai Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ KH&CN sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển, nghiên cứu công nghệ mới, thúc đẩy các bộ ngành triển khai kế hoạch hành động từng bộ, ngành để thích ứng với những thay đổi do Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Trong đó, điểm nhấn trong là việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đây chính là nguồn lực để Việt Nam có thể đi nhanh, đi tắt, đón đầu trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức